AD (728x60)

Categories

About us

Thứ Năm, tháng 10 26, 2006

Mùa Hoa Điệp Vàng

Share & Comment
Khi còn là một cô bé chưa qua hết bậc trung học, tôi đã thường ước mơ học chuyên sâu môn ngoại ngữ. Chả là tôi có khiếu về môn đó mà. Nhưng rồi năm tháng qua đi, ước mơ không trở thành sự thật. Cổng trường đại học xa hẳn tầm tay tôi, nhưng nó vẫn là một giấc mơ hiện hữu mỗi ngày trên đường tôi đi dạy về qua. Tôi, cô giáo trẻ cấp 1 thỉnh thoảng đứng lại bên lề đường đầy lá vàng, bâng quơ nhìn các bạn cùng lứa xôn xao trước cổng trường hò hẹn.

Vì thế, khi biết trường Đại Học Tổng Hợp có mở thêm hệ B cho những học viên "lỡ thời", tôi bèn ghi tên thi vào ngay. Và... may quá, trúng tuyển ! Thế là tối tối tôi được vào trường để chiếm một chổ nhỏ nhoi trở lại thời học trò. Nhưng thời học trò này chẳng thơ mộng mấy. Để có tiền đóng học phí mỗi tháng, tôi phải nhận lời đi dạy thêm vài chổ. Bọn học trò của tôi tuy dễ thương nhưng đôi khi lười ghê gớm, tôi phải giảng bài, hò hét khuyên lơn chúng suốt cả ngày. Đến tối vào lớp là tôi hết cả hơi, chỉ còn có thể ngồi cặm cụi ghi chép và đôi khi... gục xuống bàn nghỉ một chút, chẳng còn lòng dạ nào chuyện trò với ai.

Một bữa nọ vào dịp cuối khóa, nhân giờ nghỉ, chị Lớp trưởng tên Khánh nói cùng cả lớp:

- Lần này khối Anh chúng ta dự định tổ chức văn nghệ và đề nghị mỗi lớp đóng góp một màn. Trong chương trình mình vừa học qua có một vở kịch ngắn rất vui, Khánh định đăng ký cho lớp diễn tiểu phẩm đó. . Các anh chị đồng ý không?

Cả lớp đều cười tán thành. Đó là một vở kịch vui mà vai chính là một thằng bé lên bảy tuổi lười học, đã lừa được mẹ và cô giáo phải lo sợ đi mời bác sĩ. Tôi ngừng tay viết bài lắng nghe. Chị Khánh này đã có một nhóc tì rồi mà vẫn còn vui nhộn lắm. Chị tiếp:

- Nếu vậy thì anh chị cho ý kiến để cùng chọn người vào vai diễn. Riêng nhân vật bác sĩ, Khánh đề nghị anh Hùng.

Một tiếng "ối" vang lên. Anh Hùng là người vui tính nhất lớp, tuổi ngoài 30, thân hình khá đồ sộ nên luôn ngồi sát tường. Anh cất giọng oang oang:

- Không phải tôi chê đóng kịch, nhưng tôi đi làm suốt ngày, tối thì học ở đây còn giờ nào tập đóng kịch? Chủ nhật tôi bị bà xã bắt giặt quần áo và nấu cơm, không đi tập được đâu !

Chúng tôi cười ầm nhưng chẳng cho anh từ chối. Anh Hùng là hiện thân của sự dễ tính, có lẽ vì vậy mà anh trẻ hơn tôi nhiều.

Cô bé Minh nhỏ con cắt tóc tém giơ tay:

- Em thích đóng vai thằng bé, chị Khánh ơi.

Lớp trưởng hài lòng gật đầu lia lịa. Một giọng nói phía cuối lớp vang lên:

- Vì chị Khánh đã có kinh nghiệm làm mẹ nên đề nghị chị đóng vai bà mẹ.

Anh Hùng vỗ bàn cười khà khà:

- Gieo gió thì gặp bão, phải không chị Khánh?

Riêng vai cô giáo chưa ai nhận. Cả lớp đang bàn tán bỗng có tiếng ai đó nhắc đến tên tôi:

- Sao các bạn không nhờ Thúy Anh? Cô ấy vốn là cô giáo mà.

Tôi hoảng hồn quay người sang hai bên tìm kiếm. Anh chàng vừa nói câu đó ngồi đầu bàn bên trái tôi, cách chỗ tôi chỉ một lối đi hẹp. Đôi mắt tinh quái sao mà đáng ghét. Thế là cả lớp vỗ tay ào ào chẳng cho tôi từ chối. Anh chàng còn nói thêm:

- Tôi xin nhận chân chụp hình.

- Vậy quán phở nhà em sẽ đặc biệt đãi các anh chị trong ban kịch sau buổi diễn. Cô bạn bàn trên tôi nói theo.

Chị Khánh cười tươi như hoa, quay xuống nói với anh chàng đáng ghét:

- Anh Trường động viên tinh thần "cô láng giềng" Thúy Anh dùm Khánh nhé. Cô ấy đang phụng phịu kìa.

Suốt giờ học kế đó, tôi cứ hoang mang tự hỏi sao anh ta biết tôi đi dạy học? Hay anh là một phụ huynh của học trò tôỉ Có thể lắm. Tôi đã gặp hàng khối những chú cậu, anh, đưa cháu, con em đến trường. Những cô giáo trẻ chúng tôi hay đùa với nhau: "Phải đặc biệt chăm sóc học trò nào có chú, cậu còn độc thân nhé !".

Lúc tan học, vừa dắt xe ra khỏi cổng, tôi thấy Trường đứng chờ. Mọi khi gặp nhau trong lớp, tôi chỉ khẽ giật đầu chào anh, nhưng ý nghĩ anh là phụ huynh học sinh đã buộc tôi phải lịch sự hơn. Tôi hỏi:

- Tại sao anh biết Thúy Anh dạy học?

Không ngờ anh trả lời tỉnh bơ:

- Tôi thấy Thúy Anh nghiêm trang ít nói, đoán đại, hóa ra trúng.

- Anh ác lắm, anh đề nghị người ta đóng kịch chi vậỷ

- Góp mặt với đám đông cho vui chớ chi. Nếu Thúy Anh cứ sống khép kín hoài sẽ mau già.

Từ đó, tôi thay đổi nhiều. Mỗi buổi tối đến trường nghe gió đuổi nhau trên những hàng điệp vàng, tôi hình dung thành phố đang quay sang phía ấm áp nhất của vũ trụ. Chị Khánh luôn gọi tôi là "cô láng giềng' của anh. Anh cũng thích tên gọi ấy. Có hôm được nghỉ đột xuất, anh rủ tôi đi bộ lang thang đến tận cổng Thảo Cầm Viên, tập course cắp trong cánh tay. Anh nói:

- Đi như vậy, anh có cảm tưởng mình là học trò đang cúp cua, và tệ hơn nữa, lại rủ cả cô giáo cúp theo.

Tiếng cười tôi vang lên không ngờ, lẫn mau vào những hàng cây trắng xanh ánh đèn đường. Anh nắm tay tôi hỏi khẽ:

- Em thích làm cô giáo của anh không?

- Điều đó còn tùy - Tôi nói.

Tùy cái gì?

- Tùy xem anh muốn học môn gì đã chứ.

Với sự khuyến khích của anh, tôi diễn xuất trót lọt vai kịch được giao. Anh là chuyên viên chụp ảnh của cơ quan nên những tấm hình anh chụp đêm liên hoan đều đạt. Lớp trưởng tinh ý nhất, bĩu môi:

- Tấm nào cũng có mặt Thúy Anh hết. Kỳ quá hen?

Chiều ý tôi, anh bỏ công chụp một loạt hình những bông hoa đẹp. Có những loài hoa dại mọc ở bờ hè mà khi vào ống kính của anh lại rực rỡ không ngờ. Nhưng tôi vẫn thích nhất hoa điệp vàng, loại hoa rơi trải thảm vàng rực dưới gót chân chúng tôi. Muà Xuân là mùa Hoàng điệp nở đầy cây và rơi như lá xuống tóc tôi. Thêm một khóa học nữa đi nhanh. Giờ thì cả lớp đều biết mối tình của Trường và tôi. Anh vẫn ngồi một chỗ cách tôi một lối đi với lý do: để giữ mãi kỷ niệm "cô láng giềng" ngày nào.

Rôì bỗng dưng, Trường học kém đi. Anh trở nên ít nói và buồn. Ấy là khi những nụ Hoàng Điệp lại nở. Chúng tôi lại cùng đi bên nhau dưới hàng cây vàng rực. Trường nói:

- Nếu ngày nào đó anh không đi học nữa, ai sẽ cùng em đi qua những lối này?

Tôi nghĩ rằng công việc bận rộn cùng chương trình học lên cao đã làm anh mệt mỏi, nên bình thảm trả lời:

- Chả có ai cả. Em sẽ đi một mình và chờ anh trở lại.

Thế rồi Trường ra đi. Tôi nghe tiếng chân mình buồn tênh mỗi tối trên những bậc thang lên lớp. Sân trường đêm về thanh tĩnh, ánh đèn chiếu sáng bầy thằn lằn đuổi nhau trên tường. Tôi nhận thêm một số chứng chỉ mới, đồng thời với lòng hoài mong. Tôi sợ mình trở thành cô láng giềng như trong bài hát của nhạc sĩ Hoàng Quý, người gây ra nỗi buồn cho lãng tử khi trở về, nên tôi cứ một mình dẫm chân lên tấm thảm hoa vàng nhung nhớ. Từng mùa Hoàng điệp đi và trở lại. Gió tứ bề gom hy vọng đầy ắp trong tôi.

Hy vọng, là một hạnh phúc huyền ảo nhất trên đời, phải không các bạn?


Kiều Giang

(Áo Trắng số 7)
Tags: , ,

Written by

We are Creative Blogger Theme Wavers which provides user friendly, effective and easy to use themes. Each support has free and providing HD support screen casting.

0 đánh giá:

 

Popular Content

Hello! We’re Fenix Creative Photo Studio

Recent Posts

Why to Choose RedHood?

Copyright © Trang Văn Học Trẻ | Designed by Templateism.com | Published by GooyaabiTemplates.com