AD (728x60)

Categories

About us

Thứ Hai, tháng 10 16, 2006

Ngôi Trường Trong Trí Nhớ

Share & Comment
Không bao giờ tôi quên được mái trường xưa dầu tôi đã học qua bao nhiêu trường lớp. Những năm tháng ngây thơ chóng qua chỉ còn trong ký ức làm giàu nỗi nhớ mênh mông. Ôi! mái trường sơ cấp Tân Qui Đông thân yêu, nơi đã cho tôi nhiều kỷ niệm.

Ngôi trường chỉ cách nhà tôi trên một trăm mét. Muốn vào trường, phải qua một cái cổng gạch cao và một khoảng sân rộng. Tuy gọi là trường nhưng trôn nó giống như một ngôi nhà xây theo kiểu Pháp, mái ngói đỏ tươi, tường quét vôi màu vàng nhạt, nền lót gạch tàu đỏ au. Lúc còn bé tôi thấy nền trường cao lắm, muốn vào lớp phải lên đến sáu bậc gạch xây hình bán nguyệt mà hàng ngày tôi nhảy lên nhảy xuống như một chú thỏ con. Sáu phòng học cách nhau bằng những bức tường quét vôi trắng xoá. Chỉ sau một năm học là trường đầy dấu tay, dấu mực bẩn của chúng tôi. Trường có hai lớp một, hai lớp hai và hai lớp ba. Lên lớp bốn chúng tôi phải rời ngôi trường sơ cấp để đi học ở điểm chính cách đó gần một cây số.

Tôi còn nhớ rất rõ ba cô giáo thường đi dạy bằng xe lôi, một thầy giáo trẻ đến trường bằng xe "vê lô" và hai thầy giáo già đến trường bằng xe đạp. Chúng tôi vẫn thường đùa nghịch bóp chuông xe của thầy "kinh cong... kinh cong..." rồi nhe những hàm răng sún ra cười thích chí; thế mà thầy không la rầy, chỉ dặn chúng tôi đừng phá mở nắp chuông.

Thỉnh thoảng ông hiệu trưởng ở điểm chính đến thăm trường trên chiếc xe "mô-bi-lết" mới toanh. Chúng tôi tò mò vây quanh ngắm nghía chiếc "xế nổ" của ông một cách thán phục. Ai cũng rất sợ ông, nhìn mái tóc hoa râm và đôi kính trắng trông ông nghiêm nghị lạ! Hễ đưá nào nghịch phá mà lỡ ông thấy được thì không khỏi một cái véo tai đau điếng. Khi tiếng máy xe "tành tạch tành tạch..." của ông ra đi, chúng tôi thấy nhẹ nhõm và rất mừng vì ông thường mang đến những tờ giấy khen nhiều màu để thầy cô phát cho học sinh ngay sau tiết học sau đó. Lúc còn bé, nhận được một tờ giấy khen là cả một điều vinh dự to lớn cho chúng tôi. Tôi mang đi khoe hết cả bà con hàng xóm.

Nhắc đến ngôi trường, tôi nhớ mãi một kỷ niệm không đẹp mà lại "đầy đau thương" đã ấn sâu vào tâm hồn non dại của tôi ngay vào năm tôi học lớp hai.

Lớp tôi có năm mươi học sinh, đa số là con trai. Tôi thuộc hạng gầy yếu và bé bỏng nhất lớp. Ngồi bên cạnh chị Đào lớp trưởng. Chị là một học sinh khá trong lớp. Chị thường chỉ dạy cho tôi và thương tôi như em ruột. Có quà gì tôi cũng chia cho chị.

Cô Thu dạy lớp tôi khá đẹp, mái tóc uốn dài bồng bềnh ôm lấy gương mặt trái soan với đôi lông mày vòng bán nguyệt thanh tú. Cô luôn luôn trang điểm mỗi khi đến trường. Chúng tôi thích thú nhìn cô yểu điệu tay xách chiếc bóp đầm, tay che chiếc dù đầy hoa lá sặc sỡ và đẹp như một chiếc lọng. Hễ nghe tiếng giày cao gót "lóc cóc" ngoài hàng hiên là tôi biết cô đến lớp. Nhờ chị Đào kèm cặp nên tôi học khá, không ngờ đó là một tai họa cho tôi. Cô bảo tôi còn bé mà thông minh nên không cho tôi ngồi bên cạnh chị Đào nữa. Cô đem tôi lên bàn nhất ngồi giữa hai anh Hòa và Lợi là hai học sinh giỏi nhất lớp, cao hơn tôi cả một cái đầu. Con gái mà ngồi giưã đám con trai. Chết mày chưa?! Tôi tiu nghỉu như mèo bị cắt tai nhưng không dám chống đối. Sáng sớm hôm sau, vừa đến cổng trường, tôi gặp Hòa và Lợi đang đứng chờ tôi:

- Nhái con mày đi học có bao nhiêu tiền?

- Mỗi bữa em chỉ có năm cắc thôi.

- Xạo! Tao thấy mầy ăn hàng, ăn bánh đủ thứ, mày nói dối hả? Đừng dấu hai ông mầy, con ạ!

- Thật mà. Sáng nào mẹ em cũng lấy ra một đồng nè, rồi mẹ em xé làm hai cho chị em và em mỗi đưá một nữa, không phải năm cắc là gì?

- Tao thấy mầy ăn hai, ba món mà.

- Thì em ăn hai cắc xôi, một cắc chuối nướng nè, còn hai cắc thì ra chơi em uống nước đá.

- Ứ, ừ! Từ giờ phút này trở đi mầy khỏi ăn những thứ đó cho mỏi miệng. Mỗi ngày mầy đều phải nộp "tiền mãi lộ" cho hai đứa tao, nghe chưa?

- Ơ, tại sao em phải nộp? ... Nộp tiền gì?

- À!... là tiền... tiền mày ngồi nhờ bàn hai đưá tao. Con gái mà ngồi bàn con trai là "xui" cho tụi tao lắm. Phải nộp tiền đi, đừng hỏi lôi thôi.

- Tại cô bắt em ngồi chớ bộ! Em có thích vậy đâu...!

Nước mắt tôi rưng rưng, Hòa và Lợi lừ mắt, nhìn trước nhìn sau rồi đưa nắm đấm lên dọa tôi.

- Nhái con! Mày cãi lời hai ông của mày là mềm như trái chuối nghe con. Mày mà nói cho ai biết nhất là cô thì hai ông sẽ vặn cổ mày rồi xô mày xuống hào cá tra sau trường cho mày chết trong "hầm vàng" đấy, nhớ chưa?

Tôi rụng rời chân tay, miệng méo xệch, nước mắt tràn ra.

- Cấm khóc! Lại đứng sau cái cổng gạch kia... lấy tiền ra cầm tay... mau lên!

Tôi quẹt nước mắt trong tay áo rồi làm theo như một cái máy. Hòa chộp lấy tiền rồi hai đưá chạy biến đi!

Tôi thất thểu vào lớp như một kẻ mất hồn. Ngày lại qua ngày tôi phải thót ruột nhịn ăn cho hai anh bạn "ăn giùm". Thấy khát, tôi qua nhà bên cạnh múc một gáo nước lu, uống ừng ực ngon lành. Thấy đói, tôi không dám dòm miệng một ai vì sợ nước mắt mình chảy ra v` kiến bò bụng nhiều hơn. Tôi xin xuống ngồi bên cạnh chị Đào như cũ nhưng cô nhất định không cho. Cô gọi Hòa và Lợi lên hỏi gì mà hai tên ấy lắc đầu lia lịa. Sau đó chúng khủng bố tôi nhiều hơn, cấm không cho tôi tiết lộ với ai về việc mãi lộ đó.

Tôi thù hận hai anh bạn bao nhiêu thì tôi oán cô tôi không kém. Tôi thường than thầm cô đẹp mặt mà sao "ác quá". Chính cô là nguyên nhân đưa tôi đến ngõ cụt khủng khiếp này. Chẳng biết hai tên hung thần đó có dao nhọn dấu trong cặp như lời chúng dọa tôi hay không nhưng tôi chết khiếp vì sợ. Tôi không dám nói với chị Đào, mặc dù giờ chơi nào tôi cũng tha thẩn chơi với chị. Tôi rất sợ chị "thưa cô" thì có lẽ tôi bị cắt họng rồi hai tên gian ác ấy vặn cổ tôi từ đằng trước ra đằng sau mất thôi. Chết trong cái "hầm vàng" nuôi cá tra đó ai mà chịu nổi!

Thấy tôi càng ngày càng gầy ốm, về đến nhà là kêu đói rồi ngồi vào bàn ăn ngấu nghiến, mẹ tôi cứ than rằng: "Con tôi bị sán lãi rút riả mất rồi!". Từ lúc đó tôi tức giận gọi thầm hai tên hung thần đó là hai tên "sán lãi". Cơ khổ cho tôi chưa! Mẹ tôi cho tôi uống thuốc xổ giun sán! Uống quá liều chẳng ra được một con gì mà báo hại tôi bị bệnh phải nghỉ học hết hai hôm. Mất những điểm tám, điểm mười nhưng tôi thấy thoải mái hơn. Hết bệnh, tuy run sợ nhưng tôi cũng phải trở lại trường.

Đêm đêm, tôi khóc thầm và cầu mong cho có một bà tiên nào đó nghe thấu lời than thở cuả tôi, giải thoát tôi ra khỏi cảnh khổ và đày hai tên hung thần đó làm hai con sư tử lông lá, chuyên kéo xe và giữ cửa đền của bà phù thủy cho phù hợp với tính tình gian ác của chúng.

Rồi một năm học cũng nặng nề trôi qua. Nhẹ nhõm cho tôi biết bao! Tôi còn nhớ năm ấy Hòa được phần thưởng hạng nhất. Lợi hạng ba, chị Đào hạng sáu còn tôi thì hạng 8. Lúc đó trường phát thưởng cho mỗi lớp mười học sinh, đưá nào cũng có một cái cặp da. Từ hạng nhất đến hạng năm đều có thêm một cái nón nhưng từ hạng 6 trở xuống không có nón mà thay vào đó một hộp phấn.

Ba tháng hè, tôi sống vui tươi và thoải mái. Đến đầu năm học lớp ba, tôi lên lớp của ông thầy Tấn già nua chạy xe đạp "lọc cà lọc cọc". Rất may cho tôi là hai tên hung thần không cùng học một lớp nưã. Có lẽ chúng học ông thầy giáo trẻ, chạy chiếc "vê lô". Chị Đào cho tôi biết: Lợi đã nghĩ học vì bố Lợi theo vợ bé từ lâu, bỏ mẹ con của Lợi. Mẹ Lợi đi "ở đợ" nuôi con, đến nay bà không đủ sức cho con Lợi ăn học nưã. Hòa còn đi học, mỗi khi gặp Hòa tôi vẫn sợ sệt lấm la lấm lét nhìn anh ta. Hòa giả vờ như không thấy và cúi mặt bước đi. Các bạn cho tôi biết: Ba thằng Hòa đã chết trong một tai nạn xe cộ thê thảm năm Hòa còn học lớp một. Hèn chi...! Tự nhiên lòng tôi xúc động, tôi không thù oán hai người bạn đã ức hiếp bắt nạt tôi nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn còn hờn giận cô tôi đã "rứt" tôi ra khỏi chị Đào và đặt vào giữa hai tên vô lại. Vì thế tôi không trở lại thăm cô một lần nào nữa.

Cho đến một hôm, trong chiếc áo dài trắng tinh khôi tôi ghé thăm trường không quên trong ký ức. Tôi từng bước bước lên những bực gạch rồi đứng ngoài hàng hiên nghe giọng trầm ấm của cô đang giảng bài học thuộc lòng:

"... Thầy ơi! thầy khổ đã bao lần,
Mái tóc sương pha đã mấy phần.
Có những chiều tà sương phủ trắng
Thầy cười thau thứ kẻ vong ân..."


Tự nhiên, nước mắt tôi ứa ra. Lần đó, trí óc ngu đần của tôi chợt hiểu: cô cho tôi ngồi giưã Hòa và Lợi là hai học sinh giỏi để mong tôi sẽ học giỏi như họ. Lỗi ở tôi quá sợ sệt, không dám thưa cô nên mới ra nông nỗi!

Năm tháng lại lặng lẽ trôi qua, mỗi khi đi ngang qua ngôi trường sơ cấp năm xưa, tôi dừng lại nhìn cái cổng gạch cũ kỹ đã tróc lở vì năm tháng. Nơi đây đã chứng kiến hàng ngày cảnh tống tiền của hai thằng bé học lớp hai, lòng tôi không khỏi ngậm ngùi vui buồn lẫn lộn. Cũng tại mảnh sân này, chúng tôi vui đùa, nhảy dây, chơi thẻ, cút bắt... Cũng tại sáu bực gạch bán nguyệt kia, chúng tôi dìu thầy giáo Tấn già nua ra xe lôi đưa đến bệnh viện (vì thầy bệnh mà vẫn gắng gượng đến lớp nên bị mệt). Cũng tại hành lang gạch vắng đdó, lúc tôi học cấp hai trở lại thăm mái trường xưa, dòng lệ âm thầm năm nào đã chảy khi tôi nghe lời cô giảng bài học thuộc lòng.

Trường bây giờ vắng vẻ, không có tiếng trẻ ê a, hình như đó là nơi làm việc của lên tập đoàn. Giờ đây, tôi đã trở thành một đồng nghiệp của thầy cô tôi. Thầy giáo Tấn đã qua đời từ lâu, còn cô Thu không biết đã nghỉ hưu hay trôi dạt phương nào.


Bạch Liên
(GĐAT Long Hậu - Đồng Tháp)
Tags: , ,

Written by

We are Creative Blogger Theme Wavers which provides user friendly, effective and easy to use themes. Each support has free and providing HD support screen casting.

0 đánh giá:

 

Popular Content

Hello! We’re Fenix Creative Photo Studio

Recent Posts

Why to Choose RedHood?

Copyright © Trang Văn Học Trẻ | Designed by Templateism.com | Published by GooyaabiTemplates.com