AD (728x60)

Blog Archive

Categories

About us

Thứ Ba, tháng 9 26, 2006

Con hạc giấy dị tật

Share & Comment
Tôi nhăn nhở gọi những con hạc giấy cô bé gấp ra là dị tật. Dĩ nhiên rồi, làm sao chúng có thể bình thường được chứ khi mà cái cánh bên phải của con hạc luôn ngắn hơn bên trái, cái đuôi và cái đầu lại chẳng phân biệt được. Những biểu hiện đó của con hạc cho thấy bàn tay người gấp không bình thường chút nào. Tay cô bé không phải hai bàn tay có mười ngón đúng như đấng tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho mọi kẻ bình thường, đó là hai bàn tay mà các ngón chỉ là những đốt thịt ngắn ngủn thò ra khỏi chỗ gọi là cổ tay. Chính tôi đã dạy cô bé chơi xếp giấy. Tôi không bao giờ coi em như một kẻ bệnh tật, quái thai, cũng như tôi không coi bất kỳ người bạn nào trong chỗ này là kẻ bệnh tật cả. Và tôi nghĩ rằng em cũng phải được hưởng cái ước mơ như bao tâm hồn trẻ thơ khác, phải học được cách tạo ra cái đẹp như bao cô con gái khác. Em phải được đối xử công bằng, có thế thôi.
Những con hạc giấy đã ra đời như thế. Tôi và em có những ngày mưa ngồi bên cửa sổ của khu trại mà gấp hạc giấy. Rất khó khăn, ban đầu em bảo 'không thể' vì tôi đã đưa cho em một tờ giấy bé tí xíu để gấp như tôi vẫn hay gấp cùng mấy đứa bạn ở lớp. Em lắc đầu nguầy nguậy nên tôi phải lấy một tờ giấy khổ to hơn để em chịu 'lạc quan' mà xếp. Thế rồi khi tờ giấy nháp to đùng ấy nát gần hết thì em cũng biết xếp con hạc. Em thích lắm. Tôi không quên lúc đó em mỉm cười rất tươi. Nhưng tôi còn phải uốn nắn lại nhiều vì tay em làm rất khó khăn trong việc đẩy cái khớp cổ và khớp đuôi con hạc lên, chúng cứ thế nào ấy. Nhưng nếu tôi đã đủ tin tưởng rằng với đôi tay như vậy mà em viết chữ còn đẹp hơn tôi thì chắc chắn không thể nào gấp con hạc xấu hơn tôi được. Vậy mà hình như tôi càng uốn, càng sửa thì con hạc của em trông càng khác với những con hạc mà tôi ngồi một phút là gấp ra cả đống. Đó là những con hạc 'dị tật' (Tôi đã đe rằng nếu không chịu sửa thì tôi sẽ gọi chúng như thế mà cô bé có sợ đâu!)
Câu chuyện về những con hạc giấy được xếp từ giấy báo cũ cắt mảnh ra chẳng ảnh hưởng đến tôi, đến cô bé, đến cuộc đời của cả hai chúng tôi.
Tôi quen em trong một ngày cùng Đoàn thanh niên đi thăm trại trẻ mồ côi khuyết tật. Tôi vốn là một thằng con trai thích hoạt động, tôi nói nhiều và hoạt bát nên tiếp cận những đứa bé như em không khó gì.
- Anh sẽ quay lại thăm em chứ? - Đôi mắt thông minh của cô bé nhìn tôi đáng yêu hơn bất kỳ cô bạn nào tôi gặp ở trường, ngay cả khi họ có nhìn tôi 'hiền lành' thế nào.
- Tại sao em hỏi anh vậy? - Tôi cười hơi vẻ đùa giỡn.
- Em... muốn có bạn, muốn có ai đó kể về cuộc sống cho em nghe.
- Vậy à... ? Được!... Hôm nào em gặp anh được?
Tôi lưỡng lự nhưng không muốn làm một tâm hồn tội nghiệp buồn, dầu sao tôi cũng không phải là ác quỷ nên không có quyền cướp đi hạnh phúc của người khác.
- Chủ nhật... được không ạ?
- Được.
Vậy đấy! Lúc đầu tôi chỉ cho đó là một trách nhiệm 'nhân đạo' mà bất cứ ai như tôi cũng nên làm, tôi không nghĩ đó lại là niềm hạnh phúc của chính tôi. Nhưng em không phải như những con người tẻ nhạt mà tôi đã chán phải gặp mỗi ngày. Em là một cái dấu chấm hỏi khổng lồ mà trong đó em cứ tuôn ra không biết bao nhiêu câu hỏi, để hành hạ tôi phải tìm lời giải đáp cho em (dù tôi luôn ghét phải đụng tới mớ sách ấy).
Tôi phát hiện ra chữ em rất đẹp, chúng dường như hoàn toàn trái ngược với những con cua dị dạng bò còng queo trên trang giấy trắng của tôi. Từ những con chữ ấy em đã viết ra biết bao nhiêu bài thơ bốn câu để tặng cho đám bạn trong trường, để lấy le với một thằng dốt văn như tôi. Tất cả những điều ấy chứng minh khát vọng muốn vượt qua số phận của em lớn đến thế nào. Những gì tôi không bao giờ có như lòng kiên nhẫn, lòng cảm thông, yêu thương chân thành, em đều có cả.
Em bị bệnh. Các cố giáo chăm sóc em nói rằng, thật đáng lo. Một người khỏe mạnh như tôi bị bệnh đã làm mẹ thức trắng cả đêm, xanh mắt cọp lên vì lo, huống hồ...
Em xuống cân rất nhanh. Tuần trước em còn 38kg nhưng một tuần sau tôi đọc lén trong sổ theo dõi sức khỏe của cô y tá, em chỉ còn có 25kg.
- Anh cắt giấy hộ em nhé, chỉ giấy báo thôi, cắt nhiều vào, khi nào anh rảnh đến đây chơi gấp hạc với em.
Tôi lẳng lặng gật đầu. Tháng chín năm đó trời mưa kinh khiếp. Tôi đi học buổi chiều, lớp 10 luôn đi học buổi chiều. Và đó cũng là lý do mỗi lần tôi đến trại thăm em là ướt sũng. Ngày qua. Ngày qua. Cứ qua đi như vậy. Đầu óc tôi quay cuồng, điên lên khi nhìn em chỉ còn như một mô hình xương bằng thạch cao. Da em trắng bệch, em bây giờ nhẹ hẫng như một sợi tơ mỏng manh, 18kg. Em không đứng dậy để tôi dắt ra ngoài ngắm mặt trời lặn nữa. Chúng tôi, em nằm trên giường, tôi ngồi trên cái ghế sát cửa sổ, cùng gấp hạc và trò chuyện. Các cô giáo đón tôi như thể đón một niềm hạnh phúc của em vậy, họ xởi lởi và vui ra mặt mỗi khi tôi chạy qua cơn mưa và chui vào căn phòng nằm cuối dãy trại. Em cũng vui. Thật lạ kỳ, cơ thể em như vừa bị cái gì giống như một con quái vật hút đi toàn bộ sức lực, sự sống. Nhưng đôi mắt em vẫn trong veo, thông minh và hạnh phúc.
Chúng tôi xếp rất nhiều hạc, khoảng hai ngày là tôi lại phải lôi ra một xấp đến chín mười tờ báo quảng cáo cắt thành từng ô giấy nhỏ, để chúng tôi cùng gấp. Chưa bao giờ tôi làm việc tỉ mỉ và bị trêu chọc nhiều như thế. Mẹ tôi bảo 'Con trai làm gì không làm, mà ngồi mày mò xếp mấy cái con ấy làm gì?'. Mấy bà chị họ tôi lại đem việc ấy ra bàn tán với mấy cô bạn tôi, mỗi khi họ có dịp xúm lại quanh bộ bàn ghế chung của khu tập thể. Nhưng tôi tự dưng quên đâu hết mấy cái như 'sửng cồ lên' hay 'ranh rự', 'sĩ diện'. Tôi cứ nghĩ mãi dến nụ cười của em. Có một điều gì đó thôi thúc tôi phải căng mát ra mà vạch cho thẳng, cắt cho vuông từng tờ giấy nhỏ.
- Xếp nhiều hạc treo lên cho đẹp, anh lấy dây xâu nhé!
- Thôi... đừng... tội nghiệp tụi nó anh ạ!
- Em đúng là con bé ngốc, giấy thì biết gì mà tội với chả nghiệp! Chứ giờ anh em mình để chúng ở đâu, không lẽ cứ làm xong lại dúi cả vào túi nylon, không được khoe ra, chán chết.
- Hay anh kiếm cho em một cái hộp? - Đầu cô bé hơi ngẩng dậy một cách nhọc nhằn.
Tối hôm ấy tôi phải tốn hết hai tiếng để ngồi cắt dán lại thùng mì xin được của thằng bạn cho đẹp. Giờ thì anh tôi đã hết chịu nổi tôi rồi:
- Cái thằng này, mày càng lúc càng tỉ mẩn như đàn bà con gái rồi đấy. Hay là...
- Anh đừng có...
- Ôi, có cái gì... Mày cũng đàn bà vừa vừa thôi... - Lão anh trai tôi trề mỏ cười như mắc xương cá.
- Đàn bà... đàn bà... Anh đang ở cái thế kỷ nào mà phong kiến hủ lậu vậy? - Tôi bực tức quăng cái gối với được trong tay về phía lão. Lão cáu bẳn câm mồm bỏ ra phòng ngoài ... tiếp tục bàn luận câu chuyện với chị họ tôi!...
- Hộp đẹp không?
- Cảm ơn anh. Anh để đầu giường cho em để gấp xong em bỏ vào nhé...
Và hôm đó chúng tôi ngồi đến lại những con hạc ấy, 2056 con. Thật kỷ lục!
- Em muốn xếp được 10000 con cơ!... - Cô bé trầm ngâm.
- Tham vừa nhóc ạ!
Chúng tôi cắt, gấp, xếp mãi như vậy. Em cứ gầy mãi đi. Da em xanh nhợt ra. Em hầu như chỉ còn cử động hai tay và đôi mắt đen, hấp háy sáng.
Tháng mười đến. Vẫn thảm đạm mưa gió. Tôi cảm thấy sợ một điều gì đó không nói được và cũng chẳng biết vì sao sợ mỗi khi đạp xe đến trại.
- Em ốm quá... thôi đừng gấp nữa. - Tôi vừa nói vừa lấy cái khăn cô giáo đưa lau trán cho em. Khuôn mặt em giờ như một cái sọ. Trán em dô ra vì gầy quá. Tôi hoảng loạn nhìn vào khuôn mặt ấy mà tưởng tượng đến một bức ảnh chụp cái sọ người. Cánh tay em nhằng ra, lạnh buốt. Có một cái gì đang đến?
- Anh không cho em gấp em chán lắm. Em có đi đâu được đâu...
Và cô bé vẫn gấp.
Ra chơi hai tiết sau, tôi leo hàng rào phía sau của trường ra ngoài. Lại cúp tiết!
Vòng xe trong chân tôi cuồng lên, điên loạn xé cơn mưa. Tôi sẽ đến để gấp hạc với cô bé. Hôm nay tôi sẽ cho em mấy mẩu giấy màu thật đẹp mà tôi vừa cắt tối qua.
Nhóc ơi...
Dãy nhà nằm của khu trại vẳng lại tiếng của tôi, y nguyên như một lời rủa sả. Những tiếng rin rít của bánh xe tiến lại gần. Một ai đó nằm dưới tấm chăn màu đen cũ kỹ trùm kín đầu. Bốn cô giáo ở các dãy bên đang đẩy nó về phía tôi. Nó đi qua tôi...kin kít... kít... kít...
Tôi không nhìn theo, chỉ đi tiếp về chỗ em nằm.
Cô giáo Hồng, cô chăm sóc em, ngồi thút thít trên giường!
- Không!
- Nó gửi em... - Cô đưa cho tôi cái thùng.
Những con hạc giấy lặng im nâng đỡ một lá thư khá dày, gói rất đẹp.
'Anh Tuấn!
Anh đừng khóc khi anh nhận lá thư này. Anh nhìn đi, em đã gấp đủ mười ngàn con hạc, chúng sẽ làm anh vui mà.
Anh hiểu không? Vậy là anh em mình chia tay nhau rồi. Anh ngạc nhiên lắm ư? Em nói cứ như thể em biết rõ mình sẽ chết vậy. Em nói cứ như thể em biết mình sẽ cùng anh gấp đủ mười ngàn con hạc vậy... Anh đừng nghĩ lá thư này em mới viết. Em đã dự định viết nó từ ngày ba em ra đi kìa. Em bảo mình rắng sẽ viết thư từ biệt người mình yêu thương nhất khi mình ra đi...như ba vậy. Và em đã bắt đầu viết nó khi anh dạy em gấp hạc giấy.
Chao ôi, những con hạc giấy, đó là câu chuyện cổ tích của một kẻ quái vật không có tay như em. Anh là ông bụt làm phép để cổ tích thành hiện thực.
Mẹ em cũng đã chết dần mòn như em. Ba em cũng thế. Và em biết sẽ đến lượt em. Tử thần liệu có bao giờ bỏ quên lưỡi hái ở nhà khi đi hành quyết một ai không anh nhỉ? Nếu có thì em sẽ có đủ thời gian gấp cùng anh mười ngàn con hạc. Em hy vọng vậy.
Hôm nay em sẽ chết, dù đủ hay chưa mười ngàn con hạc. Nếu chưa đủ anh đừng giận em nhé.
Anh mười sáu tuổi, em chỉ thua anh có bốn tháng thôi. Nhưng em bé hơn hẳn anh. Cái xác của em chỉ bằng một cô bé mười hai tuổi. Và đó là lý do duy nhất để em được gọi người mình yêu thương là 'anh'. Nghe trẻ con quá nhỉ... Còn em, em nghĩ mình đã già kể từ ngày ba mất. Ba mẹ em đều là bộ đội, những người anh hùng áo xanh của em.
Đừng giận vì em đã dối anh. Em lúc nào cũng ngờ nghệch, ngốc nghếch hỏi anh đủ thứ. Ngộ thật, em hỏi anh cả những thứ em đã đọc sách và hiểu rồi. Hình như em muốn được nghe anh nói.
Tại sao em thân với anh ư? Vì anh là người đầu tiên không nhìn vào bàn tay quái vật của em mà kinh tởm hay thương hại, vì anh đã dạy em làm một thứ mà không ai nghĩ một đôi tay quái vật lại làm được. Em cũng muốn được đi học như anh vì biết mình học được. Em cũng muốn được làm điệu, chải tóc như bao cô bạn khác nhưng không bao giờ được. Em phải ở đây để điều trị, phải lầm lì ra vào có một nơi này duy nhất. Dù em biết các cô thương em lắm, cô Hồng bao giờ cũng chải tóc cho em theo ý thích. Nhưng em lại ao ước có hai bàn tay cơ. Anh không có bàn tay nào cho em, nhưng anh đã chỉ em cách thực hiện một việc bình thường bằng một đôi-tay-ma-quỷ.
Rồi em sẽ chỉ còn là một dúm xương khi ra đi thôi, giống mẹ và ba vậy!
Nhưng em biết mình đã đọc quá nhiều sách, biết quá nhiều về cái kẻ đã làm cả ba mẹ và bản thân em ra thế này.
Em biêt trong thế giới còn nhiều người giống như em. Nhưng em chẳng làm được gì cả. Em chẳng giúp được ai, chẳng cứu được ba mẹ mình, chẳng cứu được chính mình. Có lẽ em phải chờ đến khi đi về nơi xa lắm mới có thể phần nào thỏa nguyện.
Mười ngàn con hạc, những con hạc giấy-em-cố-tình-gấp-dị-tật, em gửi lại anh. Hãy quên em đi và những chú hạc ấy. Chúng sẽ ở bên anh, như ước mơ hão huyền của em vậy.
Vĩnh biệt'
Những con hạc giấy tan nát dưới mưa, méo mó và dị tật như tâm hồn của tôi và những kẻ vô tâm như tôi.

KHẢI ĐƠN (THPT Trấn Biên, Biên Hòa)
Tags: ,

Written by

We are Creative Blogger Theme Wavers which provides user friendly, effective and easy to use themes. Each support has free and providing HD support screen casting.

1 đánh giá:

Khải Đơn nói...

Tôi là tác giả của câu chuyện này. Đáng tiếc là khi đưa lên báo, người ta đã cắt bớt những đoạn mà tôi thích nhất.Cảm ơn đã đăng bài của tôi. Nếu bạn thích :)
phamlan.khaidon@gmail.com

 

Popular Content

Hello! We’re Fenix Creative Photo Studio

Recent Posts

Why to Choose RedHood?

Copyright © Trang Văn Học Trẻ | Designed by Templateism.com | Published by GooyaabiTemplates.com