AD (728x60)

Categories

About us

Thứ Ba, tháng 10 24, 2006

Bản chất của thành công

Share & Comment
Đề bài:
Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em



bài làm :

Bản chất của thành công

Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ.

Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ.

Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được?

Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công - bị - trì – hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với NV2, NV3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.

Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Truyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ - người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ - người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế?

Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn. Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá - học - của - một- người – cha.

Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ. Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.

Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công.

Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich – ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao? Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho “đội bóng” của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận được tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế!

Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”. Còn đối với tôi, thành công là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là một thành công.

Hà Minh Ngọc
(học sinh lớp 10)

Tags: , ,

Written by

We are Creative Blogger Theme Wavers which provides user friendly, effective and easy to use themes. Each support has free and providing HD support screen casting.

5 đánh giá:

Pháp Thuận nói...

Cảm ơn em đã tặng cô một bài học, một lời động viên vào lúc cô cần nó nhất. Em đã thực sự thành công đấy. Mong em tiếp tục thành công.

lời phê của cô giáo dạy văn bạn Hà Minh Ngọc

Unknown nói...

* Tôi đang phải đối diện với ngã ba đường như mẹ em ngày xưa, tôi đang phải suy nghĩ là mình nên như thế nào thì đúng: tiếp tục học hay trở về nhà quây quần bên gia đình với công việc có thu nhập không cao lắm, với một người không nổi tiếng (vì ước mơ của tôi là một diễn viên hài kịch thành danh). Đọc xong bài viết của cô bé tôi nghĩ mình đã theo đuổi một thành công hư ảo. Nhưng tôi sẽ phải tiếp tục suy nghĩ... Tôi hi vọng mình sẽ rút ra được bài học từ những gì cô bé viết để tìm ra con đường đưa tôi tới thành công thật sự, một thành công thật sự của riêng tôi...

NGUYỄN LỘC

* Bản chất thật sự của sự thành công? Đó là điều rất giản dị mà mọi người có thể làm được và đã từng làm những điều như thế mà họ không hề biết đó cũng là một sự thành công trong cuộc sống. Bài văn ấy đã đánh thức và khơi dậy tinh thần lạc quan của con người, giúp mọi người thấy được ý nghĩa thật sự của cuộc sống.

NGUYỄN CHÍ TRUNG

* Trước tiên, phải cảm ơn cô giáo của em vì đã cho một đề bài làm văn mở để em có thể thỏa sức bộc lộ tâm tư. Kế đến phải cảm ơn em, cô bé Hà Minh Ngọc, vì đã làm một bài văn thật hay, đầy cảm xúc và cũng đầy suy tư. Bài văn em viết dẫn chứng, lý lẽ rất rõ ràng, mạch lạc, chặt chẽ mà vẫn tràn đầy cảm xúc, vẫn khiến người đọc rung cảm. Bài văn lại có những ý tưởng và suy nghĩ rất riêng, rất đặc biệt của tác giả nữa. Em thật sự đã làm cho thể loại văn (trong bài văn của em, theo tôi, là thể văn chứng minh) vốn khô khan, khó viết trở nên mềm mại và đáng yêu hơn rất nhiều.

ANH THY

* Ngọc đã mang những suy nghĩ của mình đến với mọi người rồi từ đó khiến chúng tôi phải nhìn lại chính mình và suy ngẫm để rồi có một cách nhìn mới hơn, tốt đẹp về cuộc sống xung quanh, theo tôi, đó cũng là một thành công mà em đã có được.

TRẦN PHÚ LỘC

Unknown nói...

Đó không còn là một bài tập làm văn bình thường, mà thật sự là một tác phẩm văn chương trong trẻo, ngọt lành và sâu sắc. Có biết bao nhiêu sự anh minh, đức tin và lòng nhân từ ở trong đó!

Bài văn hay trước hết vì tác giả viết văn hay. Nhưng cũng còn vì những nguyên nhân khác nữa. Và cụ thể trong trường hợp này, bài văn hay là vì đề văn hay. Đề văn hay là vì cô giáo văn “hay”.

Trước hết là về đề văn, “Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em” là một đề bài rất hấp dẫn và rất mở. Nó cung cấp đủ cả sự hứng thú và cả không gian cho sự sáng tạo.

Với một đề bài như vậy thì không thể học thuộc và sao chép mà được. Thế nhưng, nó vẫn đòi hỏi những kiến thức sâu rộng về văn chương, về con người, về xã hội và về giá trị.

Việc truyền thụ kiến thức ở nhà trường trong trường hợp này là để tạo dựng một nền tảng cần thiết cho sự nhận thức, sự chiêm nghiệm và sáng tạo cái đẹp chứ không phải là mục đích tự thân.

Về cô giáo dạy văn, cô giáo là người thật sự có hiểu biết về văn chương và về những yếu tố cần cho hoạt động văn chương. Cách ra đề bài của cô đã giúp cho chúng ta cảm nhận được điều này.

Ngoài ra, cô đã làm được nhiều điều hơn là việc giảng dạy đơn thuần. Cô đã là một người bạn tâm tình, là một người chị gợi mở và chia sẻ. Hơn thế nữa, cô còn nhìn thấy trong học sinh những nhân cách, những người đương thời “bằng vai phải lứa” với mình.

Cứ nhìn vào lời phê của cô về bài văn chúng ta sẽ thấy rất rõ điều đó. “Cảm ơn em đã tặng cô một bài học, một lời động viên vào lúc cô cần nó nhất. Em đã thật sự thành công đấy. Mong em tiếp tục thành công”. Đó là những lời động viên không chỉ của một cô giáo, mà còn là của một người bạn biết ơn.

Rất tiếc, những gì chúng ta thấy được nhân đọc bài văn của em Hà Minh Ngọc có vẻ chỉ là chuyện ngoại lệ. Ít nhất, cách dạy và học văn như trong trường hợp nói trên vẫn chưa phải là phổ biến hiện nay.

Cách phổ biến vẫn thì là học thuộc và nhồi nhét. Cách học như vậy cùng lắm thì chỉ tạo ra được những thợ chữ, chứ chưa chắc đã tạo ra được những nhân cách, những tâm hồn biết thưởng thức, biết rung động trước cái đẹp và sáng tạo ra cái đẹp.

Tại sao chúng ta lại không thể học văn như em Hà Minh Ngọc đã học và dạy văn như cô giáo của em đã dạy?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Unknown nói...

Có ý kiến rằng bài văn của học sinh Hà Minh Ngọc giống một số tác phẩm đương đại viết cho giới trẻ như “Hạt giống tâm hồn” (NXB trẻ) hay một số bài trên mạng Internet vì những lời tự sự như thế đang trở thành một trào lưu của giới trẻ hiện nay. Anh đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Có thể có một trào lưu như thế nhưng bài văn này là của Ngọc. Bài văn này lạ; đặc biệt, trong hoàn cảnh ngày nay, các đề văn thường sáo rỗng, khiến nhiều em viết sáo, chưa hay, chưa đặc sắc, chưa thăng hoa vẫn có thể đạt điểm 10.

Vậy loại đề văn mở như thế này có nên hay không?

Ra đề như hiện nay làm cho môn Văn cũng chỉ giống như Toán, Sử, Địa, không khác gì và làm cho người giỏi văn không có chất văn chương. Đó là bi kịch. Có những thí sinh đạt điểm 10 văn nhưng lại chưa chắc có tư chất văn chương; hành văn thế nào, tâm hồn thế nào không được tính đến, học sinh chỉ cần làm bài để người chấm đếm đúng ý, đủ ý.

Đề mở thì nên nhưng khó chấm vì chấm thi hàng loạt phải có ba-rem, nên loại đề này chỉ nên khuyến khích trong ngoại khóa văn. Hoặc có chăng câu hỏi mở như thế này chỉ là một trong 2, 3 câu trong một đề văn. Hơn nữa trình độ văn chương của giáo viên cũng là một vấn đề.

Không phải mọi đề văn đều nên mở như vậy!
(PGS TS Lê Quang Hưng, ĐH SP HN)

Là một thầy giáo của "cỗ máy cái" đào tạo ra các thầy cô giáo dạy văn, anh có cho rằng chúng ta phải thay đổi ngay cách dạy và học văn cũng như cách ra đề văn không?

Đọc bài văn tôi thấy em học sinh này có cá tính. Đây là một đề văn giống nghị luận xã hội.

Lâu nay chúng ta nghe dư luận chê: Chúng ta đang dạy văn, học văn và ra đề theo kiểu khuôn mẫu, bắt học sinh học vẹt... Điều đó cần phải sửa, nhưng sửa đến mức nào là việc cần phải nghiên cứu thận trọng, không thể chạy từ cực này sang cực khác được. Học văn thì học sinh phải có kiến thức luận của văn, phải biết đến thời kỳ văn học, tác phẩm văn học và trên cơ sở đó mới phát triển cái tôi, cái bản thân...

Theo tôi kiểu đề thi mở như thế có thể là một phần của đề văn chứ không phải tất cả các đề văn đều mở và cần mở như vậy. Nếu dạy văn mà chỉ thiên về nghị luận xã hội cũng không được.

Như vậy Văn không thể là tự do mà vẫn phải dùng ...đáp án?

Nhà trường phải có chuẩn của nó. Đáp án không mâu thuẫn, không trói buộc học sinh vấn đề là làm đáp án thế nào, mở đến đâu để học sinh thể hiện cái tôi.

Thử hình dung nếu đề văn ra không ba-rem, chỉ cầm bằng vào cảm nhận và cứ chênh nhau 0,5 điểm là người chấm phải đối thoại, giáo viên sẽ không chấm nổi bài và sẽ cãi nhau suốt nửa năm không chấm nổi được một đề văn vì mỗi người đều có cảm nhận riêng.

Chúng ta cũng nên lưu ý rằng đây là một đề văn ở trường chuyên, cho học sinh chuyên và cô giáo cũng ...chuyên nốt. Dạy đại trà thì không thể!

Ngành GD-ĐT khuyến khích những học sinh có cá tính nhưng...
(TS Lưu Bình Trị, người phụ trách môn Văn học, Bộ GD-ĐT)

Qua bài văn của em Ngọc, ông có ý kiến gì về tính tự do, tính sáng tạo trong dạy và học Văn?

Bài văn này được viết có hồn, có tình cảm; loại bài này phát huy cá nhân tốt, rất tự do giống như mô-típ đề thi từng có: viết về chị gái của em, mẹ em, niềm vui của em, nỗi buồn của em... Tôi xin nhấn mạnh, chủ trương của ngành GD-ĐT là rất khuyến khích những học sinh có cá tính, sáng tạo từ lâu rồi. Tôi cũng đã có lần phát biểu là cần chống “đồng phục hóa” các bài giảng văn trong nhà trường.

Vậy đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách học, cách ra đề để phát huy tính tích cực của học sinh?

Đó chính là đường hướng mà Bộ GD-ĐT kiên trì làm, chỉ có điều chưa được thành công như mong muốn.

Tôi xin đơn cử một số đề Văn năm 1982: “Sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam qua văn học”; “Hình ảnh Bác Hồ trong thơ Tố Hữu”; “Về một bài thơ mà em yêu thích”... Có thể hiểu rằng, trong các đề này học sinh muốn viết gì thì viết... nhưng điều này chỉ thích hợp với những học sinh thực sự học văn và học văn tương đối tốt và với những giáo viên có trình độ, có trách nhiệm cao trong việc chấm bài thi.

Đề loại này mà ra trong đề thi tốt nghiệp hay đại học thì... chết ngay! Thứ nhất nhiều học sinh không làm được; thứ hai hàng vạn hàng ngàn giáo viên có những người năng lực còn non kém không chấm được thì kỳ thi sẽ thành bát quái trận đồ ngay lập tức. Vì vậy tôi nghĩ rằng kết hợp 2 kiểu ra đề trong một đề thi là việc nên làm.

Unknown nói...

Làm sao tránh khỏi những lúc suy sụp ý chí, mất niềm tin vào chính bản thân mình. Nhưng hãy nhớ đứng lên và bước đi thật vững, rồi bạn sẽ thấy mình có được những "đóa hoa" mà cuộc sống ban tặng. Vâng, cám ơn Minh Ngọc đã giúp tôi tìm lại chính mình, niềm tin và sự lạc quan tưởng chừng như đã vơi đi trong tôi. Mong sao em luôn nhớ mãi "bài văn về thành công" của ngày hôm nay, cũng như giữ trọn niềm tin vào bản thân để có những bước đi thật vững cho mai sau. Và còn để em tự đứng lên sau những lần vấp ngã. Sống hết mình, làm việc hết mình và hãy làm những gì để không phải hối hận về sau thì bạn đã là một người thành công rồi.

HOA HONG VANG

Cám ơn Ngọc nhiều. Cám ơn em. Cuộc đời này quá nhiều điều huyền bí mà mọi người phải tự khám phá và tận hưởng theo cách của mình. Và nó là gì, đừng quan tâm nó là gì. Hãy sống sao cho thật ý nghĩa với những gì cuộc đời đã ban tặng cho mọi người. Chúc em hạnh phúc!

KHANH VI

Xin được mượn lời phê của giáo viên chấm bài để gửi đến tác giả bài văn. Vâng theo tôi, em đã thành công và mong là em sẽ mãi thành công. Đối với môi trường của em, điểm số có khi không là tất cả. Và xin được cám ơn vì em đã nhắc nhở chúng tôi - những người đi trước - trong cuộc sống địa vị và tiền bạc không là tất cả.

Sự thành công của một đời người chỉ được nhìn nhận một cách thấu đáo nhất khi xung quanh ta đều là những người bạn. Xin được dùng lời của người xưa mà tôi đã được cha mẹ dạy để nhắn nhủ rằng: Khi con chào đời thì con khóc và mọi người cười; hãy sống thật tốt để khi con chết thì con mỉm cười và mọi người xung quanh con khóc. Một lần nữa cám ơn tác giả bài văn, và cũng cám ơn cả giáo viên đã cho bài văn ở điểm số rất thuyết phục.

NGUYỄN HUỲNH TRIẾT

Đã lâu lắm rồi tôi mới đọc được một bài văn có lối tư duy, dẫn chứng, diễn đạt hết sức gần gũi đời thường như thế này. Tôi nghĩ bài văn của Hà Minh Ngọc thành công ở chỗ đã thoát ra khỏi khuôn mẫu trước giờ nhà trường vẫn áp đạt cho học sinh. Tôi tin Hà Minh Ngọc sẽ thành đạt!

PHẠM NGỌC TRƯỜNG

Cám ơn Hà Minh Ngọc và cô giáo của em. Tôi rất xúc động khi đọc bài văn của em. Tôi là người thất bại nhiều nhưng cũng nhận được nhiều trong cuộc sống. Rất mong có thêm nhiều trái tim trắc ẩn, giàu lòng nhân hậu như em.

QUY ANH

Một bài văn hay, mang đậm triết lý nhân sinh quan sâu sắc, đáng để mọi người phải đọc và suy nghĩ về cuộc sống của chính mình. Cảm ơn vì đã có một bài văn như vậy!

NGUYỄN HỒNG PHƯƠNG

Em thật sự xúc động sau khi đọc bài văn này. 15 tuổi, không định hướng được con đường mình sẽ đi, liên tiếp thất bại làm em luôn cảm thấy mặc cảm. Dần dần, kết quả học tập của em tụt dốc không phanh. Ngán ngẩm vì mọi việc, em tách dần với lối sống cộng đồng, bố mẹ thì không hiểu cho em, hay kêu ca, phàn nàn làm cho em cảm thấy mình như đồ bỏ đi. Thế nhưng sau khi nhận được vài dòng offline của một người bạn, em tò mò click vào trang web bạn gửi, đọc xong bài văn, em đã khóc...

NGUYỄN THỊ HỒNG LINH

Thật sự ý nghĩa. Trong lúc tôi đang tự nghĩ mình đã thất bại, tôi chán nản, nhìn cuộc đời toàn là những màu đen nhưng khi đọc được bài văn của em tôi như được tiếp thêm sức mạnh để nhìn nhận lại mình, suy nghĩ lại công việc của mình. Cảm ơn bài văn của em đã làm tôi thức tỉnh, giải tỏa những bế tắc trong lòng tôi. "Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi". Cám ơn bài văn của em.

TRANG

Trước tiên, phải cảm ơn cô giáo của em vì đã cho một đề bài làm văn mở để em có thể thỏa sức bộc lộ tâm tư. Kế đến là phải cảm ơn em, cô bé Hà Minh Ngọc, vì đã làm một bài văn thật hay, đầy cảm xúc và cũng đầy suy tư. Tôi đã từng nghĩ là liệu việc học văn trong nhà trường, với đủ mọi thể loại dành cho các nhà phân tích và phê bình "thực thụ": như: phân tích, bình luận, bình giảng... sẽ làm mất đi khả năng sáng tạo và hạn chế cảm xúc.

Nhưng giờ đây, sau khi đọc bài văn của em thì tôi đã thay đổi dần suy nghĩ ấy. Bài văn em viết dẫn chứng, lý lẽ rất rõ ràng, mạch lạc, chặt chẽ mà vẫn tràn đầy cảm xúc, vẫn khiến người đọc rung cảm. Bài văn lại có những ý tưởng và suy nghĩ rất riêng, rất đặc biệt của tác giả nữa. Em thực sự đã làm cho thể loại văn (trong bài văn của em, theo tôi, là thể văn chứng minh) vốn khô khan, khó viết trở nên mềm mại và đáng yêu hơn rất nhiều.

Từ giờ, mỗi khi nhận đề làm văn (vì tôi cũng đang là học sinh THPT), tôi sẽ nhớ đến bài văn của em, và sẽ không than phiển vì đề bài quá khó nữa vì gửi gắm được suy nghĩ của mình vào bài văn, và có một người đọc và chia sẻ tâm sự ấy với mình (là giáo viên) thực sự đã là một thành công đích thực.

anhthy2204@

Đọc xong bài văn của em, tôi rất lấy làm ngạc nhiên và khâm phục. Ngạc nhiên vì với lứa tuổi đang học lớp 10 như em lại có một cách nhỉn về cuộc sống của một người đã từng trải nghiệm rất nhiều. Khâm phục bởi lẽ em đã viết một bài văn từ trái tim mình, gạt bỏ qua tất cả những khuôn khổ về cách học và viết văn trong nhà trường. Tôi có đọc qua một vài nhận xét về bài văn của em, có người bảo rằng bài văn có cách viết giống như trong những cuốn sách “Quà tặng cuộc sống” hay là “Cửa sổ tâm hồn”…

Riêng tôi không quan trọng điều đó, cái đáng khâm phục là em đã mang những suy nghĩ của mình đến với mọi người rồi từ đó khiến chúng tôi phải nhìn lại chính mình và suy ngẫm để rồi có một cách nhìn mới hơn, tốt đẹp về cuộc sống xung quanh, theo tôi đó cũng là một “thành công” mà em đã có được. Tôi chúc em sẽ gặt hái thêm nhiều thành công khác trong tương lai.

Trần Phú Lộc

 

Popular Content

Hello! We’re Fenix Creative Photo Studio

Recent Posts

Why to Choose RedHood?

Copyright © Trang Văn Học Trẻ | Designed by Templateism.com | Published by GooyaabiTemplates.com