AD (728x60)

Categories

About us

Thứ Hai, tháng 10 16, 2006

Cô Thúy

Share & Comment
Cái răng trước hàm trên của cô giáo Thúy rụng đã nửa tháng nay mà cô chưa trồng răng xương lại được phần vì cô chưa thong thả tiền nong, phần vì hàng may lúc này có nhiều, cô phải làm gấp kịp giao cho khách.

Sáng nay, vừa vào lớp Thúy đã phải can hai em học sinh đánh nhau. Nhìn hai cu cậu mặt mũi đỏ gay được các bạn lôi về chổ ngồi, một cậu môi sưng vều, một cậu bầm nhẹ trên mi mắt. Thúy vừa thương vừa giận. Thúy ngạc nhiên vì hai em này thường ngày rất thân nhau. Cả lớp im phăng phắc chờ đợi cơn thịnh nộ của cô giáo nhưng Thúy hết sức ôn tồn nói:

- Tuấn và Dũng, sao hai em đánh nhau?

Hai cu cậu biết lỗi đứng cúi gầm mặt nín thinh. Lát sau, Dũng lí nhí:

- Tại bạn Tuấn đánh em trước...

Thúy hỏi cả lớp:

- Các em biết vì sao hai bạn đánh nhau không?

Cả lớp im lặng, Thúy nổi giận đập thước lên mặt bàn quát:

- Tuấn! Tại sao em đánh bạn?

Tuấn là học sinh giỏi, đạo đức tốt trong lớp. Và cô chợt chán nản:

- Cô không ngờ em tệ hai như vậy!

Tuấn chớp mắt lia lịa, ấp úng:

- Thưa cô... Bạn Dũng nói cô sún răng không tiền mà còn làm bộ đến hỏi làm răng ... rồi đi luôn.

Rồi Tuấn òa khóc. Thúy choáng váng giây lát, cho hai em ngồi xuống và bắt đầu buổi học.

Suốt buổi học, cô giáo Thuý thỉnh thoảng đưa tay che miệng giấu hàm răng khuyết một cái của mình. Cô bán tín bán nghi vì lời lẽ của Tuấn thốt ra trong lúc xúc động.

Thúy biết nghề của ba Dũng là nha sĩ nhưng không ngờ phòng răng của ba em là nơi Thúy đã đến khám và rồi không trở lại. Cu cậu Dũng đã thấy cô giáo, có thể đã nghe chuyện và bây giờ buông lời xúc phạm để Tuấn "bênh" cô giáo gây ra ẩu đả.

Tan học, Thúy biểu Tuấn và Dũng ở lại lớp mươi phút để cô phân xử và cô đã biết nguyên nhân hai cu cậu đánh nhau. Trên đường về nhà, dưới nắng trưa gay gắt, sợi xên xe đạp đã quá "nhão" trật khỏi líp hai ba bận làm cô càng ngán ngẫm cho cái nghề cao quý của mình.

Những buổi trưa khác, cơm nước xong là Thúy lao vào may vá ngay nhưng trưa nay cô thấy uể oải, cô kéo ghế xếp ra hiên nằm suy nghĩ vẩn vơ. Nhiều lần Thúy đã định bỏ nghề nhưng khi thấy các bạn đồng nghiệp lớn tuổi có con cái sống chật vật với đồng lương khiêm tốn mà còn can đảm đứng lớp, Thúy lại chưa muốn đầu hàng. Thúy chưa lập gia đình và có thêm nghề may nên đời sống không bức bách lắm. Nhiều người bạn của Thúy cũng vậy, họ có thêm một nghề tay trái này.

Có lần, Thúy làm đơn xin vào làm công nhân một xí nghiệp xuất khẩu hải sản vì nghe nói lương tháng của một người bảo vệ ở đây cũng gấp năm ba lần lương của cô hiệu trưởng trường Thúy, một người đã ở trong ngành giáo dục gần hết cuộc đời mình nhưng sau đó, Thúy lại thôi không nộp đơn. Năm học này là năm thứ bảy Thúy ra trường sư phạm , đôi khi cô cảm thấy mệt mỏi, muốn yên phận và không muốn thay đổi môi trường sống. Hơn nữa, ngày xưa Thúy đã chọn nghề này đâu phải vì đồng lương?

Nhiều bạn của Thuý hay nói đùa: "Lương sao, dạy vậy" khi nghe... Than vãn chất lượng giáo dục đi xuống. Cô biết họ chỉ đùa, dù chua chát, chớ họ đều đem tâm huyết của mình để truyền đạt kiến thức cho đám học trò. Có điều chất lượng đào tạo đâu phải chỉ mình công sức của người thầy mà nên? Nhiều bạn của Thúy dạy kèm thêm cho học sinh để tăng thu nhập, Thúy thấy điều này không có gì đáng chê trách nếu trên lớp các thầy cô ấy làm tròn bổn phận của mình. Cô chỉ thắc mắc là người ta hay nói "ăn lương theo sản phẩm" mà sản phẩm của nhà giáo là con người thì mức sống của nhà giáo lại quá thấp! Công việc trồng người lâu có kết quả và mơ hồ qúa chăng?

Thúy chợp mắt thiu ngủ được một lát thì ba của trò Dũng đưa em và Tuấn đến nhà xin lổi cô giáo. Thật tình, Thúy cũng không giận gì các em lâu nhưng cô cũng cảm thấy an ủi ít nhiều khi gặp một cha mẹ học sinh biết chuyện như vậy. Ba của Dũng còn bảo Thúy đến phòng răng của ông sẽ được hưởng giá đặc biệt và ông tự trách mình ít có thời giờ chăm sóc con...

Vào đầu giờ học tuần sau, cô bé lớp trưởng rụt rè trao cho cô giáo Thúy một phong bì dày cộm tiền của học sinh trong lớp tự quyên góp tặng cho cô giáo... làm răng. Cô giáo Thúy cảm động lắm, giọng cô ướt nước mắt:

- Cô cảm ơn các em nhiều nhưng cô đã dư tiền để làm lại cái răng sún - Thúy pha trò để ngăn mình khỏi khóc. Công đoàn nhà trường cũng giúp cô thêm một ít. Số tiền này cô đề nghị các em tặng cho bạn Hạ, giúp bạn tạm thời khỏi đi bán vé số buổi chiều. Năm nay phải thi hết cấp một, bạn Hạ cần nhiều thời gian để học hơn ... các em đồng ý không?

Cô giáo Thúy nhìn Dũng, nhìn Tuấn, nhìn cả lớp đưa tay, đồng thanh hô lớn - Đồng ý. Cô thấy em nào cũng đáng mến, đáng yêu cả. Và cô giáo Thúy rưng rưng nhận ra chính vì các em, chính vì các bạn đồng nghiệp của mình đã giữ cô tiếp tục đứng trên bục giảng chớ không vì một lẽ nào khác, càng không vì những lời xưng tụng hoa mỹ...


Phạm Hoàng Ngọc
(Xuân Lộc)
Tags: ,

Written by

We are Creative Blogger Theme Wavers which provides user friendly, effective and easy to use themes. Each support has free and providing HD support screen casting.

0 đánh giá:

 

Popular Content

Hello! We’re Fenix Creative Photo Studio

Recent Posts

Why to Choose RedHood?

Copyright © Trang Văn Học Trẻ | Designed by Templateism.com | Published by GooyaabiTemplates.com