AD (728x60)

Categories

About us

Thứ Năm, tháng 10 19, 2006

Trong Khi Chờ Học Bổng

Share & Comment

Không biết các bạn nữ thì sao, chứ cánh con trai chúng tôi, đã là sinh viên thì không ai là không một lần "ký sổ". Cái từ này khoa Nga gọi là "Pơt-pi-sat", còn bên Anh thì gọi là "Sain". Nó không những chỉ được "lưu hành nội bộ", mà còn được tung ra trên khắp thị trường. Cho nên, từ mấy cô phục vụ bán khoai lang, chè chén ở căng tin; bác thường trực kiêm bán thuốc là ở trường cho đến má Sáu bán bún cá ở góc đường Nguyễn Chí Thanh... tất cả đều hiểu nghĩa của từ này. Vì cám cảnh xa nhà của bọn tôi, nên phần lớn không có ai "cằn nhằn" trong những lần bọn tôi "Pơt-pi-sat". Duy chỉ có má Sáu là hơi bẳn tính.

Chiều nay, vừa mới quẳng tập giáo trình lên giường là Hòa kéo tôi ra "thăm" má Sáu. Tôi và Hòa thả bộ trên đường Lê Duẩn, bụng đói cồn cào như có kiến. Nhất là Hòa, chắc nó đói lắm. Từ sáng, chúng tôi chỉ ăn mỗi đứa một dĩa xôi hai trăm và buổi trưa "ký" vội mấy củ khoai của má Tám rồi đi học. Tôi học buổi chiều, còn Hòa học buổi sáng, nên nó phải chờ tôi về rồi mới ra được đây. Hòa "ký" nhiều quá, nên không có tôi nó không dám "vác mặt" ra một mình. Tội nghiệp! Chắc là từ trưa tới giờ không "nghiên cứu" được đồng nào nên đành chịu đói đây.

Chúng tôi bước vào hàng má Sáu. Má đang ăn bữa tối. Thấy chúng tôi vào, bà uể oải đứng dậy dọn cái bàn con vương đầy mẩu ớt và giấy lau. Nhìn hai đứa, bà nói:

- Chú Hòa nợ tám nghìn tư rồi đấy nhé! Còn Thìn là một nghìn phải không?

- Dạ! Má làm cho tụi con hai tô đi. Thứ hai này tụi con có học bổng rồi mà - Tôi nài nỉ .

Má Sáu bưng ra hai tô bún cá, leo queo vài cộng giá với dăm miếng chả nguội ngắt, cong như những lát sắn phơi khô.

Hòa lau vội mấy chiếc đũa thâm sì găm trên phần còn lại của chai bia cắt dở. Chúng tôi sì sụp húp, nhai. Ngon đáo để! Trời lạnh. Nhờ hơi ớt và hương vị của bún cá nên hai cơ thể nguội lạnh của chúng tôi nóng bừng lên. Mồ hôi túa ra. Cả hai vừa ăn vừa xuýt xoa như người ốm lâu ngày ăn cho lại sức. Sang đến tô thứ hai, tôi bắt đầu kể cho Hòa nghe về buổi sinh nhật ban chiều của Nga - bạn tôi. Tôi vừa mới nói câu đầu, Hòa bỗng à lên như nhai phải ớt:

- Thôi chết cha tao rồi! Hôm nay là sinh nhật của Hiền mà tao quên mất. Hèn chi hồi sáng nó cứ nhìn tao hoài như muốn bắt chuyện. Tao ngỡ nó biết tụi mình hết tiền mua phiếu ăn nên tỏ vẻ quan tâm... tao cứ phớt lờ, lại còn tránh mặt nữa chớ. May mà mày nhắc đến sinh nhật của Nga ...

- Ủạ Nga và Hiền trùng ngày sinh nhật à?

- Ừ! Năm ngoái trong một ngày tao phải dự sinh nhật ở hai chổ. Vậy mà bây giờ... đào đâu ra tiền để mua quà cho em đây?

Hiền là "bạn thân" của Hòa. Tụi nó quen nhau từ hồi năm thứ hai. Hồi ấy, mỗi buổi tối Hiền thường vào khu nội trú để học, nhưng thực ra là bày cho mấy cái đầu "già cỗi" của bọn tôi học tiếng Ngạ Họ quen nhau từ đó.

- Hay là mày tặng tập thơ chép tay của mày cho Hiền đi - Tôi gợi ý.

- Không được đâu. Trong đó có mấy bài lưu bút của Phúc, Khoa bên tiểu đội ba, tụi nó đã hy sinh mà tao không có tấm hình nào của tụi nó cả. Chỉ có mấy dòng đó thôi.

- Thôi. Đi với tao ra Hùng Vương. Đến ki-ốt của chị Hoa "ký" tạm cái gì tặng em cũng được. Hồi đầu năm tao có thuê truyện chỗ chị mấy lần, quen thân lắm.

Hòa gật đầu, rút cây bút hiệu Kim Tinh có khắc hình cánh phượng của Hiền tặng nhân sinh nhật hai mươi sáu tuổi vừa rồi của nó đưa cho tôi. Tôi ghi con số hai nghìn to tướng trong sổ nợ của má Sáu rồi hai đứa bước ra ngoài.

Trời vẫn mưa lất phất. Đường Hùng Vương đông nghịt người. Tối thứ bảy trong cái thành phố công nghiệp này, ai cũng thấy mình được tự do nên đều thi nhau đi dạo, bất chấp cả mưa rơi. Ki-ốt của chị Hoa đóng cửa. Chúng tôi đành lang thang để tìm một quày tạp hóa khác. Chỗ nào cũng đông người, hàng hoá sang trọng không phải là nơi cho chúng tôi tìm đến. Hai đứa lang thang mãi rồi cũng dừng chân trước một ki-ốt cuối cùng trong ngày.

Cũng may cho Hòa là bà bán hàng còn đang chuẩn bị dọn hàng về nhà. Trông bà có vẻ phúc hậu và dễ gần. Thấy chúng tôi tới, bà dừng tay hỏi:

- Hai chú định mua chi? May là thằng cháu tui nó đến trễ, chứ không là tui đã dọn hàng về từ nãy rồi.

Hòa cầm quyển sổ có hình một cánh hồng ở ngoài bìa hỏi:

- Quyển sổ này giá bao nhiêu hả bác?

- Chú muốn mua quyển đó hả? Một nghìn rưởi đấy. Giấy manh kẻ ô, trắng lắm!

Hòa gãi đầu:

- Dạ ... cháu định mua ... nhưng không biết bác có bán không?

- Ủa . Chú mua thì bán chứ răng không hề.

Tôi mạnh dạn nói với bà bán hàng:

- Thưa thật với bác, tối nay bạn cháu nó cần quyển sổ mà tụi cháu không có tiền. Bác cho tụi cháu mua chịu, tuần sau tụi cháu trả cho bác được không ạ?

Bà nhìn tôi vẻ thông cảm rồi nói:

- Ờ ... cũng được. Nhưng thời buổi chừ, tôi biết mấy chú ở đâu mà bán.

- Dạ tụi cháu học ở trường sư phạm ngoại ngữ. Hòa vừa nói vừa lục túi - cháu bỏ quên thẻ sinh viên ở nhà chứ không thì cháu gửi cái thẻ lại cho bác yên tâm.

- Nói vậy chứ mới nhìn tôi đã biết mấy chú là sinh viên rồi mà. Tôi cũng có cháu là sinh viên nên tôi biết lắm. Mà mấy chú không có tiền thiệt sao?

Hòa mân mê quyển sổ:

- Dạ thiệt mà bác! Hay là bác cho cháu gửi lại cây viết này. Thứ hai có học bổng tụi cháu ra lấy lại nghen.
Bà bán hàng xua tay:

- Thôi cứ lấy quyển sổ mà dùng. Sau hẵng hay. Để cây viết lại mấy chú lấy gì mà học.

- Dạ không, tụi cháu còn mấy cây bút chì ở nhà mà. Với lại đến thứ hai là tụi cháu lấy lại rồi.

Nghe tôi giải thích vậy, bà bán hàng xem chừng cũng xuôi lòng. Chắc bà nghĩ điều này cũng không hệ trọng lắm nên bà bằng lòng cho Hòa để cây bút Kim Tinh lại.

Cầm quyển sổ được bà bán hàng bao cẩn thận trong lần giấy xanh, bên ngoài đính chiếc nơ giấy màu hồng, Hòa và tôi chào bà rồi ra về.

Ký túc xá điện cúp tối om. Hòa mượn được xe đạp, đạp lên nhà Hiền, còn tôi thì trèo lên tầng ba lạnh vắng. Tụi bạn đứa đi chơi với người yêu, đứa đi cà phê hay đi dạo ... Chỉ ở tầng hai mới thấy vài ánh đèn dầu leo lét của các bạn nữ đọc tiểu thuyết.

Mưa dứt hạt. Ánh trăng thượng tuần rõ dần. Nhưng vẫn không đủ sức để chiếu rọi mấy chiếc mùng mắc sớm - nơi trú ngụ của những sinh viên hết tiền đêm thứ bảy.

Hòa về lúc nào tôi không biết. Sáng hôm sau nó kêu tôi dậy sớm. Hai tô bún cá chiều qua như gió vào nhà trống. Mấy bà ở căn tin không bán chi hết. Tán gẫu chán hai đứa quyết định lên thư viện đọc báo cho ... khỏi đói.

Không biết ngày mai người ta đã cho chúng tôi tạm ứng phiếu ăn chưa? Rồi trưa nay? Rồi chiều? Rồi sáng? ... Phần lo bài vở, phần "chạy ăn từng bữa toát mồ hôi". Ngày tháng của chúng tôi nặng nề trôi qua như những toa tàu chợ lỉnh kỉnh xoong nồi, sách vở ...

Thứ hai chúng tôi vẫn chưa có học bổng. Thế là lời hứa với má Sáu và bà bán hàng đành phải bỏ dở . Rồi thứ ba, thứ tư cũng trôi qua như vậy. Lớp tôi đã có một vài đứa trốn về nhà xin tiền. Bài vở không ai chuẩn bị cả.

Tối thứ tư, Hòa rủ tôi ra khất nợ bà bán hàng ở đường Hùng Vương. Tôi bận dịch một bài báo, nên nó cũng không đi.

Trưa thứ năm, Hòa đi học về đưa cho tôi một mảnh giấy được gấp theo lối viết thư. Tôi hỏi:

- Thư của ai vậy mày?

Nó trả lời giọng buồn thiu:

- Thì cứ đọc đi rồi biết!

Tôi mở thư ra. Một dòng chử con gái nắn nót cẩn thận:

"Anh Hòa thân !

Dì em gửi lại anh cây viết Kim Tinh để anh ghi bài. Dì nhắn anh và anh Thìn chủ nhật này tới nhà Dì chơi. Nhà Dì ở cách nhà em ba nhà thôi".

Em: Thu Hiền."



Mai Thìn
(ĐHSPNN - Đà Nẳng)

Tags: ,

Written by

We are Creative Blogger Theme Wavers which provides user friendly, effective and easy to use themes. Each support has free and providing HD support screen casting.

0 đánh giá:

 

Popular Content

Hello! We’re Fenix Creative Photo Studio

Recent Posts

Why to Choose RedHood?

Copyright © Trang Văn Học Trẻ | Designed by Templateism.com | Published by GooyaabiTemplates.com