Ngày mai tôi tạm xa Quỳnh, xa cái bàn nhỏ bé này, nơi mà suốt những năm tháng bậc trung học, tôi đã cùng Quỳnh cặm cụi đánh vật với những bài toán, những phương trình hóa học, rồi những lần "mổ xẻ" thơ Nguyễn Du, truyện "Chí Phèo"... Và cũng là nơi này, cách đây hai tháng, tôi ccũng đã hơn một lần dằn lòng mình để không nói với Quỳnh một điều thiêng liêng nhất. Vâng cho đến bây giờ tôi vẫn cho nó là thiêng liêng - Bởi vì, tôi chưa hề nói với một người bạn gái nào điều đó.
"Nếu Quỳnh hiểu được tâm trạng của tôi như thế nào hôm nhận được lệnh gọi tập trung, thì có lẽ Quỳnh không nỡ trách tôi. Ngày lên phường đăng ký tình nguyện nhập ngũ đợt một, chẳng cần đợi đến khi khám sức khoẻ, tôi vẫn chắc là giây phút đó sẽ đến với mình. Nhưng rồi không hiểu sao tôi đã không đủ can đảm đến báo với Quỳnh tin ấy, mặc dù trong thâm tâm tôi vẫn muốn Quỳnh là người bạn đầu tiên biết được quyết định cuả mình.
(Trớ trêu thay, khi ngoài miệng tôi luôn nhắc nhóm Hùng, Thái, Mạnh là đừng nói cho Quỳnh biết thì trong bụng vẫn cứ muốn chạy tới báo với Quỳnh, rồi kể cho Quỳnh nghe tất cả lý do tại sao).
Quỳnh biết không, hôm thứ bảy, thấy Quỳnh tới tôi đã vội trách đám bạn là đã để lộ bí mật. Nhưng, hơn nửa giờ nói chuyện ở trường thực tập, những vui buồn với các học sinh đầu tiên trong đời. Rôì đến lúc Quỳnh bảo: "Còn điều cuối cùng Quỳnh hỏi Bảo, tôi lại thêm một phen hồi hộp, nhưng..." Chủ nhật này bọn Quỳnh tổ chức đi cắm trại chia tay với học trò, Bảo ráng thu xếp bài vở, trả lời sớm cho Quỳnh là có dự được hay không nha".
Một lần nữa tôi lại cũng không hiểu được tâm trạng cuả mình lúc ấy thế nào. Trách Quỳnh hay trách tụi thằng Thái?
Hôm ấy Quỳnh để lại trên bàn học của tôi bộ sách "Hướng dẫn giải đề thi tuyển sinh" tự lúc nào mà tôi không biết. Khi trở vào nhìn thấy nó tự dưng tôi lại cứ thấy buồn buồn. Muốn gửi lại để Quỳnh giữ cho thằng Dũng sang năm học, bởi vì tôi không dùng đến nó nữa, bởi vì tôi đã chia tay với sách vở, với cổng trường Đại Học - niềm khát khao mãnh liệt một thời. Nhưng rồi tôi đã không thể làm điều ấy. Lẽ đơng giản là tôi không thể nhìn thấy Quỳnh buồn. Sau này, khi tôi đi rồi Quỳnh có buồn, có trách thì tôi cũng ráng chấp nhận mà chỉ mong một ngày Quỳnh sẽ hiểu tôi hơn. Còn bây giờ, thử hỏi có bạn nào lo lắng, động viên tôi nhiều hơn Quỳnh trong suốt thời gian tôi luyện thi lần một, rồi lần hai? Nhưng có lẽ sức học tôi chỉ có vậy và đến vậy... Quỳnh biết đó, tôi đã cố gắng hết sức mình. Trong chuyện này, còn một người cùng đã và đang cố gắng hết sức mình nhưng là để lo cho tôi ăn học, đó là Anh Hai còn có chị và hai cháu! Lòng tự trọng của một thằng con trai thôi thúc tôi phải có một quyết định... Tôi chọn con đường nhập ngũ trước hết là để đỡ gánh nặng cho anh, chị và sau đó là một mong ước hết sức bình thường: Ngày trở về xin việc làm hay học nghề được "dễ thở" hơn bây giờ.
Như vậy đó, Quỳnh ạ. Giá như bây giờ có Quỳnh bên cạnh, chưa chắc tôi có thể nói với Quỳnh tất cả những điều này. Quỳnh có tin là mỗi người đều có một số phận không? Tôi thì tôi tin điều đó lắm. Số phận đã không dành cho tôi những điều kiện để thực hiện ước mơ cuả mình, nhưng ít nhất trong chuyện này, tôi cũng đã chứng tỏ mình là một con người không dễ bị khuất phục. Quỳnh ơi! Nếu có được một ước mơ trong cuộc sống thì theo tôi, điều quan trọng không phải là làm cách nào để đạt được nó, biến nó thành hiện thực mà chính là bản thân mình đã sống hết mình, sống trọn vẹn vì ước mơ ấy. Và tôi đã hãnh diện với chính tôi khi nhớ về những năm tháng miệt mài sách vở. Tôi đã sống thực sự với ước mơ của mình bằng tất cả thiệt tình và lòng tin yêu, Quỳnh ạ.
Còn với Quỳnh, tôi tha thiết mong mỏi một điều: Quỳnh hãy ráng học thật tốt và hãy luôn ghi nhớ rằng Quỳnh đang học thay tôi và rất nhiều bạn bè khác, những gì mà chúng tôi không bao giờ được học, Quỳnh nhé.."
Bảo biết không, chiều nay Thái đã ghé trường Quỳnh đang thực tập báo tin ngày mai Bảo sẽ lên đường nhập ngũ. Thái chi nói được có vậy rồi lại phóng xe đi cho kịp ca học. Chắc Bảo có thể đoán được Quỳnh bất ngờ quá. Quỳnh muốn về gặp Bảo ngay nhưng vì phải chuẩn bị cho tiết thao giảng ngày mai.
Quỳnh về đến nhà đã hơn bảy giờ, định sẽ xin Mẹ tới Bảo, nhưng mẹ nói Bảo có viết thư để lại cho Quỳnh trên bàn học...
Bảo ơi, biết nói với Bảo thế nào bây giờ, Quỳnh đã đọc không biết bao nhiêu lần lá thư Bảo viết. Và Quỳnh đã hiểu ra được nhiều điều. Hãy tin rằng Quỳnh không bao giờ trách Bảo đâu. Quỳnh chỉ tiếc.... Cùng trang lứa với nhau vậy mà Bảo chịu nhiều điều thiệt thòi, mất mát quá. Đáng mừng là đối diện với những bất công, phi lý đó Bảo đã suy nghĩ và hành động như một người có bản lĩnh và nhân cách thật sự
. Nếu là Bảo, Quỳnh cũng sẽ hành động như vậy.
Bảo đi rồi, Quỳnh sẽ buồn lắm. Sẽ không còn ai để Quỳnh san sẽ nỗi vui buồn, kể chuyện trường, chuyện lớp. Nhưng cũng chẳng sao, chúng mình sẽ làm phiền bác đưa thư vậy Bảo há.
Còn bây giờ, mỗi ngày ra vào giảng đường, Quỳnh sẽ nhớ nhiều hơn về Bảo và những bạn bè của chúng ta - những người kém may mắn và không được hạnh phúc như Quỳnh - Bảo ơi, Quỳnh hứa sẽ cố học, học thật giỏi và từng ngày, từng giờ Quỳnh sẽ cố gìn giữ, trân trọng những gì Quỳnh có được ngày hôm nay. Bảo đồng ý không?
Tháng ba, muà mưa lại đến, ngoài kia đã có lắc rắc những hạt mưa đầu muà và Quỳnh đang chờ những cây phượng bên đường trổ bông. Dù nó không đẹp như hai hàng phượng ở trường mình ngày nào, song cứ nhìn sắc đỏ của nó là Quỳnh lại chạnh lòng nhớ về thầy cô và bạn bè, nhớ về những cuộc chia tay...
Muà phượng nở năm nay có lẽ, đã đem đến cho Quỳnh một kỷ niệm khó quên.
Phạm Thị Ánh Tuyết
(CĐSP TP HCM)
0 đánh giá:
Đăng nhận xét