Mỗi tuần báo ra, nó đều đặn mua hai tờ viết về tuổi thanh niên. Chồng báo cao dần còn tiền thì vơi cạn. Nó tính toán kỹ các khoản tiền. Tiền ăn, tiền học phí thì không lạm được rồi. Phương châm của nó là ăn hàng đầu, giày dép quần áo hãy gác lại. Đi tạm dép cũ sang năm mua. Quần áo mặc thế này cũng đủ chán. Sinh viên quê nghèo khỏi lo ai chê. Với báo đó là thế giới huyền diệu, thần kì thiếu không chịu được.
Bạn bè bảo: "Mày ngốc quá, để tiền mua sắm. Báo chí làm chi". Nó cười: "Sở thích rồi". Bạn bè chỉ còn nước lắc đầu: "Tao không hi vọng gì ở mày. Ra thành phố phải đổi khác đi. Vẫn mấy bộ quần áo quê cũ rích à". Nó cay đắng nghe sự thật rất tàn nhẫn trong lời nói của đứa bạn và chua chát nghĩ: "Giá có tiền mẹ gởi gấp rưỡi thì đến nỗi nào. Nhà mình bấn quá." Nhưng có ai hiểu hết được nó. Đọc rồi viết như con thiêu thân sau thời gian học bài. Nửa đêm chạng vạng tối hay đang đi đường. Viết đến nỗi quên ăn quên ngủ. Điều cốt yếu là phải có báo để đọc mới viết hay được. Nó hy vọng vào năng khiếu của mình. Viết, sửa, gửi đi liên tục. Đầu óc quay cuồng như mớ bòng bong đang rối lại gặp gió. Tiền tem - cái khoảng không đâu cứ nảy sinh liên tục. Sự đời bỏ thì thương vương thì tội. Tay nó run run khi bỏ những lá thư vào hòm. Lạy Trời lạy Phật phù hộ cho con gặp nhiều may mắn.
Nó nhận được thư nhà. Mẹ kể bão to, lụt về lúa đồng ngập hết. Đêm trằn trọc khóc thầm thương quê nhà vô hạn. Mệt, thiếp đi lúc nào không biết. Trong mơ nó thấy bố mẹ mình ốm nặng gầy sọp đi. Nó khóc, chợt tỉnh giấc thấy má mình giọt nước mắt lăn nóng hổi.
Nó đến lớp với nỗi buồn trong mắt. Tầng bốn giảng đường hôm nay sao cao thế, bước chân cứ chĩu nặng. Gặp người bạn cùng lớp nó khẽ chào. Nam nhỏ nhẹ: "Quê mình bão nặng, quê bạn có sao không?". Nó xúc động trước sự quan tâm nhưng không nén nổi tiếng thở dài:
- Quê em thiệt hại lắm.
Sự mệt mỏi bơ phờ hiện lên trên khuôn mặt gầy xanh của nó. Nó bắt gặp trong ánh mắt người cùng cảnh sự cảm thông. Ánh mắt có vẻ gì đấy khác mọi ngày. Nó bước vội lên bậc thang cuối cùng, không vào lớp nữa mà đứng tựa hành lang. Gió. Cơn gió mùa hèthổi mát Hà Nội với cái nắng rực trời. Trong xanh yên ả sao có lúc trời làm mưa bão? Lặng lẽ đưa mắt vào những tầng cao chót vót giữa thủ đô, nó mơ quê nhà mọc lên những nhà ngói vững chắc.
Khi quá đau khổ người ta thường chút lên một cái gì đó. Nó đem nỗi đau vào bài học, vào trang báo đầy chữ mà đôi lúc nhòe lệ. Tìm được một chỗ dạy kèm nó biên thư về cho bố mẹ.
***
Tháng Ba cái dạo hoa đỏ trời nó về thăm quê, nhìn đồng lúa xanh mơn mởn mà thích mắt. Sếu cò ở đau bay về đậu đầy trên những bờ ruộng. Mới xa quê khi trở về sao thầy cái gì cũng thân thương. Lũy tre ở cổng nhà to lắm rồi, cây cao vút lên không trung. Chim sáo bay về ríu ran ngõ nhỏ. Những đêm ra đê ngắm về vùng sông nước yên ả, lặng câu hò bất chợt, thoảng tiếng mái chèo khua nước. Tiếng dế, tiếng côn trùng vang vọng trong đêm. Đèn măng xông trên thuyền hắt ánh sáng đỏ xuống lòng sông. Trăng sáng quá quê mình tươi đẹp biết bao.
Có những đêm nó đọc báo bên cửa sổ, thả hồn lơ đãng theo tiếng cười đùa trong trẻo của lũ trẻ con. Mẹ nhìn nó, cười, bảo mơ mộng ít thôi để thời gian mà học. Nó lơ đểnh nhìn qua khung cửa, miệng nhẩm đếm các vì sao, nghe tiếng chồi xoan nảy trongtiết xuân ấm áp, chợt giật mình nghĩ đến rét nàng Bân khi thấy láxoan đã lộ.
... Một làn gióthoảng qua, không rét nhưng nó cũng rùng mình. Vuốt lại mấy quyển báo cho phẳng phiu, nó nghĩ về thời học cấp ba mượn mãi mới được vài quyển báo đem về đọc ngấu nghiến cả đêm cho thỏa thích. Công việc nhiều quá, nó chẳng viết được gì. Trả rồi, không có báo nó thấy buồn ngơ ngẩn.
Tháng Tư trời đổ những cơn mưa rào. Nó ngồi lì trong nhà trọ cắm đầu vào mấy quyển báo mới mua lòng mong một điều gì đó xa xôi nhưng khó nói nên lời.
Nó mở chiếc hòm nhỏ. Chao ơi, người ta đi học hòm dùng đựng quần áo đồ đạc đắt tiền. Còn nó những quyển báo nêm chặt. Vài ba bộ quần áo bỏ vào balô cũng chẳng sao. Nó thẳng tính. Bạn bè hỏi mượn bảo đến mà đọc không thì thôi. Đọc xong cất kĩ vào hòm như một vật báu. Mất lòng trước được lòng sau, các cụ đã dạy thế. Có vài lần tụi bạn không gìn giữ để rách quá, lại còn mất nữa. Nghĩ mà xót ruột. Mất một quyển báo là thấy cảm giác hụt hẫng trong khi đọc. Nó mang tiếng "ki bo" nhưng đành chịu, tiền mình bỏ ra mua chứ có ai cho đâu.
***
Nam mến nó từ lúc đầu gặp mặt - chính xác hơn là từ buổi học đầu tiên. Hôm ấy cả hai cùng đi học muộn, phía trên hết chỗ đành phả ngồi bàn cuối, hoá ra bàn ấy chỉ có hai người. Nó không dám bắt chuyện trước chỉ lặng im ngồi. Giảng đường rộng, phía trên con gái ngự trị, phía dưới đa số là nam chỉ thấp thoáng vài bóng nữ. Nó hơi ngại, khoanh tay lên bàn như trẻ con lớp một (đấy là thói quen với lại nó vốn hiền lành). Nam hiền, trông đứng đắn. Mấy đứa con trai bắt đầu chuyện rì rầm. Nam quay sang cười làm quen. Nó bối rối. Không biết người ta tuổi tác thế nào mà xưng hô? Nó thuộc lớp đàn em vì mới thi đỗ năm đầu. Trông Nam lớn thế kia mà, ở đại học nhiều người hơn tuổi lắm. Suy nghĩ một lát nó quyết định gọi là anh nhưng vẫn không dám nói trước. Chợt Nam hỏi :
- Bạn ở tỉnh nào?
Khiêm tốn ngay trong lời nói. Người này lịch sự đây. Nó cười:
- Em ở xa lắm, cách Hà Nội cả trăm cây cơ. Chẳng hiểu sao nó lại vòng vèo. Tiếng em xưng ra tự nhiên nó thấy Nam đỏ mặt ngượng ngạo:
- Mình mới thi đỗ năm đầu, học đúng tuổi. Còn bạn?
- Cũng chẳng sao. Gọi thế đồng ý chứ?
Nó cười bẽn lẽn. Từ đó Nam chấp nhận cách xưng hô kính trọng của nó khi biết mình hơn vài tháng tuổi. Hai kẻ xa quê tìm được ở nhau sự đồng cảm sâu sắc. Không hiểu vô tình hay cố ý mà từ hôm sau, cả hai đều hay đến lớp muộn để rồi lại ngồi bàn cuối lớp với nhau. Xa nhà, sự thiếu vắng tình cảm làm nó buồn nhiều. Bạn bè mới, thầy cô mới và người thành phố cứ vội vàng như không đuổi kịp thời gian. Buồn, nó vùi đầu vào báo nhưng đó chỉ là thú vui giải trí. Nó mong có một người bạn chân thành thực sự để cùng san sẻ buồn vui. Nó bắt đầu cảm thấy mến Nam. Thời gian đó là sự thử thách khắc nghiệt quý giá, dần dần làm cho con người ta hiểu nhau hơn. Ở Nam có những điểm tương đồng với nó. Hai đứa tâm sự với nhau nhiều, đôi khi bắt gặp ánh mắt Nam khác lắm nhưng nó phải tự kìm lòng mình, dặn mình không được quá giới hạn của tình bạn, không được để tan vỡ những gì đã có. Mẹ viết thư ra hay nhắc nhở những vấn đề này. Nó tự cười thầm: "Mẹ yên tâm, con gái mẹ còn vương nợ học hành nhiều lắm". Đêm nơi nhà trọ, một mình cô đơn, thao thức giữa bốn bề tĩnh lặng, nó nhớ Nam thật lòng. Trái tim hai mươi lần đầu biết rung động yêu thương.
***
Lớp tổ chức đi chơi tận trong miền Trung xa quá. Nó nghĩ tới chặng đường dài mà ớn lạnh cả người. Từ đây đến đó xa gấp đôi về nhà. Cái tật say xe, nôn mửa mệt lả cứ hiện ra trước mắt. Nhớ nhà, nhớ quê đành phải nhắm mắt mà ngồi xe, đi chơi còn sức đâu học với hành. Đơn giản là cuối tháng nó chỉ còn tiền ăn, chả lẽ đi không à?
Cảnh đẹp thật đấy nhưng không còn cách nào khác. Nam hỏi ý kiến, nó bộc bạch tất cả.
- Đi cho vui, tiền Nam lo, say xe đã có thuốc.
- Anh cũng thế, chi rồi lấy đâu tiền mà ăn? Nó lo lắng .
- Cả năm mới đi một lần. Anh còn công việc, còn tiền dạy thêm.
- Nhưng�
- Em không tự ái chứ? Anh hiểu em anh mới nói thật. Đừng để anh phải đi một mình, buồn lắm.
Nó lặng im không nói, chỉ khẽ gật đầu. Nắng vẫn gắt, đổ dài cái bóng nhỏ nhoi đang rảo bước dưới sân trường.
Đêm trời đổ mưa. Nó nắm thao thức nghĩ mãi về chuyến đi, về Nam, về cái nghèo. Chuyện của hai đứa rồi sẽ đi đến đâu? Chỉ biết rằng tháng này mẹ gửi tiền ra có kẻ chẳng mua được báo, phải dành dụm để trả cho Nam. Không biết Nam có nhận?
Mai Hạnh
(Ninh Bình)
0 đánh giá:
Đăng nhận xét