Gần 2 giờ chiều. Trời trở nên nóng nực dị thường. Ai cũng uể oải bên giá vẽ. Nam lại gần gạ gẫm: "Cà phê không?", đoạn vuốt mái tóc dựng đứng như bờm ngựa. Tôi cười lắc đầu rồi đi vòng lên phiá trước. Vừa kịp nhìn thấy một giọt mồ hôi đọng lấp lánh dưới đầu khuỷu tay người mẫu. Tấm lưng anh nhễu nhão mồ hôi dưới bóng điện tròn vàng chóe đặt bên cạnh góc trái làm nguồn sáng nhân tạo. Tôi đi về chỗ, sững sờ ngắm mấy đứa đá cầu lạch xạch ở góc phòng; hai tay ôm lấy đầu, tôi ngồi gục xuồng. Hạnh lẹt xẹt lê dép tới, vỗ vai:
- Mày sao vậy? Nhức đầu hả?
- Không sao? tao mỏi chân quá!
Tiếng dép lại lê đi, lẹt xẹt, lẹt xẹt...
Quốc khom người , tiếng lè nhè như người say rượu:
- Gì thế? Lúc nào H. cũng ủ rủ.
- Thì đã sao? Tôi lắc đầu, lại nghĩ ngợi. "Hoá ra, nghề người mẫu không nhàn hạ như mình tưởng. Trước đây sao mình không quan tâm đến mẫu. Chỉ viêc đến lớp giành chỗ để giá vẽ. Người mẫu đã được hợp đồng sẵn. Cứ thế mà vẽ, mẫu nam hay mẫu nữ, già hay trẻ,xấu hay đẹp, ốm hay mập, không cần biết. Hết giờ lại ra về. Thờ ơ như xa lạ �"
Đèn tự dưng tắt phụt. Tiếng ai đó the thé: "Cúp điện rồi". Giày dép di động loạn xạ. Tụi kia mừng rỡ la chí chóe: "Nghỉ bà con ơi! Nghỉ! Ha ha�"
Hương lại gấn người mẫu, di di mũi giày đen kiểu đàn ông, nói như hét: "Cho người mẫu nghỉ sớm đó" và cười hắc hắc. Ai cũng thôi vẽ. Phòng tối âm u, trần nhà lại thấp nên nóng như lò than. Chị Hà giựt giựt tay áo bảo: "Đi ăn kem không?". Tôi nhăn mặt: "Em mỏi chân quá" rồi ngồi bẹp xuống gạch. Chị lừ mắt: "Vậy thì cho nhịn nhé!".
Nhóm lục đục kéo đi. Tôi ngước mặt lên, lẩm nhẩm:
- Sao mẫu không về mà đứng đó?
Không ngờ Tranh đang đứng cạnh, cất giọng càu nhàu:
- Người ta làm việc có trách nhiệm chứ đâu ơ hờ như tụi mình.
- Ừ nhỉ?...
Bỗng có tiếng ré lên inh ỏi: �Mưa! Mưa !�
Mấy đôi chân chạy ào ra hành lang, mắt sáng rỡ như sắp sửa nhìn thấy một phép màu. Gió thốc mạnh một cái. Trời đổ mưa ào ào. Mấy gương mặt há hốc mồm say sưa ngắm mưa. Ở thành phố này luôn có những cơn đến bất ngờ. Nhất là những cơn mưa đầu mùa. Vội đến vội đi, không chuyển lâu lắc. Hàng cây sao già ríu rít trong mưa. Gió bứt lá ném veo véo qua chấn song cửa sổ. Người mẫu bước xuống khỏi bục, xua tay phân trần: "Hết giờ rồi nhé" và lấy khăn ra lau mồ hôi, góp chuyện:
- Mưa đầu mùa thế này là tốt. Mùa mưa năm nay chắc đến sớm hơn mọi năm đấy.
Anh chép miệng mấy cái, lôi thuốc ra hút, mắt nheo nheo nhìn mưa. Tôi lui vào trong, ngồi nhớ những cơn mưa miền quê heo hút, kéo dài lê thê và buồn thảm. Nhớ những hàng so đũa vật vã trong mưa và những mái lá oằn đi vì sũng nước. Đường làng sình lên, lõng bõng và lầy như chao thối.
Tranh thở dài, đôi mắt một mí đăm chiêu:
- Lại hết một buổi chiều! Hết một ngày rồi! H. này, chuẩn bị bản vẽ chưa? Chiều mai đi vẽ phong cảnh đấy.
- Ừ! Bên trường đông người lắm. Chả biết có "khớp" không nữa.
*****
Trưa hôm sau, lớp lục đục chuẩn bị dụng cụ. Những tiếng than thở, chì chiết, những tiếng cười hí hửng, hoà trộn vào nhau. Tôi theo nhóm thứ nhất hồ hởi đi trước. Chất lên giỏ se Hằng bao thứ lỉnh kỉnh: lon đựng nước, palette, hàng lô những hũ màu bột. Hằng ngồi sau ômmấy miếng gỗ làm bản vẽ, nói nhăng nói cuội với Quốc. Ai cũng có vẻ phấn khớỉ lắm.
Hơn 1 giờ, lớp tụ tập trước cửa hội trường A5. nhóm con gái ùa xuống vệ cỏ, lôi mận, ổi ra ăn. Tụi con trai nhào vô giành giật. Tiếng la choe choé cùng tiếng cười rú lên khiến mấy sinh viên học bài gần đó ngoảnh lại nhìn. Chờ mãi vẫn chưa thấy đủ 24 người, lớp trưởng đứng lên la:
- Thôi giải tán đi! Lo lựa chỗ mà vẽ. Một lát thầy qua bây giờ.
Tiếng cười rộ lên một chặp nữa rồi ngừng hẳn. Ai nấy lẳng lặng xách dụng cụ lên. Từng nhóm năm ba người lang thang đi trên sân trường, chọn góc độ thích hợp. Tiếng bàn bạc và càu nhàu không ngớt.
Tôi chọn một góc cây phượng già lác đác hoa đỏ. Cảnh trông đẹp nhưng nếuthể hiện sẽ trông lòe loẹt. Mà tôi thì không ưa những thứ đó. Tôi quyết bỏ cây phượng để thay cây hoàng điệp đã rụng hết hoa, chỉ còn trơ những trùm trái khô màu nâu đỏ. Quốc hoà keo pha màu xanh lá cây, nói tiếc rẻ:
- Bỏ cây phượng rồi à? Tiếc nhỉ? Hoa phượng đỏ đẹp là thế! Từ ngày vào đây, Quốc mới biết thế nào là hoa phượng đỏ. Hồi còn ở Đà Lạt, chỉ ngắm mãi một cây phượng tím độc nhất. Cũng không hề biết ép bướm phượng là thế nào.
Hằng ngồi kế bên chép miệng: "Thôi đừng nhắc tới phượng nữa. Nó làm cho Hằng nhớ tới thời trung học. Mà này, hay là ta đi nhặt phượng làm bướm đi. Hằng sẽ chỉ cho Quốc làm. Về ép khô vào vở. Đẹp lắm".
Hai đứa dắt nhau đi, cười nắc nẻ như trẻ con, bỏ tôi lại một mình. Ba đứa cùng tuổi nhau và cùng nhỏ nhất lớp. Nhưng tôi có vẻ già quá, trong cách nghĩ cũng như trên khuôn mặt. Hồi mới vô lớp, ai cũng gọi tôi là anh vì tưởng tôi lớn tuổi. Còn Quốc, tôi thường hay gọi đùa là: "Cậu bé 19 tuổi của tôi ơi!"
... Tiếng ồn ào rõ dần. Một tốp sinh viên có lẽ là mới năm nhất, đi qua, thấy lạ, tò mò đứng lại xem. Rồi bàn tán và bình phẩm. Một đứa nói trỏng:
- Có cần tôi làm mẫu cho không vậy?
Đứa kế bên chơi quê:
- Mày không thấy người ta đang vẽ "tĩnh" vật à? Chừng nào vẽ "động" vật rồi mày vô làm mẫu cũng kịp chán.
Tiếng cười cất lên ầm ào. Có đứa lấy cọ quẹt màu loạn xạ trên túi xách và cả giày thề thao, rồi cười một mình ra chiều thích thú lắm.
Tốp này đi thì tốp kia đến. Mấy nữ sinh viên đứng sau khen chê nho nhỏ. Thỉnh thoảng cười ré lên. Một cô bảo:
- Sao tao không thích con trai vẽ vời. Nhìn thì hay thật nhưng chỉ sợ họ sống quá lãng mạn và yếu đuối. Con trai phải làm kinh tế và kiếm tiền kia.
- Mày nói vậy mà không sợ người ta buồn à? Các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ đa phần là đàn ông con trai, chả lẽ họ yếu đuối hết cả sao.
- Nhưng tao có cái lý của tao chứ.
Ừ! thì cô có cái lý của cô khi nghĩ rằng con trai phải lo làm kinh tế, phải nên kiếm tiền chứ không nên "vẽ vời". Nhưng con người ta không phải là một cái máy chuyên kiếm tiền. Người ta không thể sống nếu chỉ để đi kiếm tiền. Con trai chỉ biết đi kiếm, tiền thôi thì chán lắm. Cũng như con gái không thể chỉ biết có việc trang điểm và quanh quẩn bên bếp núc. Ai cũng cần có một nhu cầu khác, một đam mê khác nữa chứ!
Hằng và Quốc trở về, thả xuống cỏ một nắm con bướm phượng và mấy bịch yaourt. Hằng than thở:
- Người đâu mà lắm thế! Cứ như là hội chợ ấy.
Quốc nhìn tôi ra vẻ khâm phục:
- Họ đứng vòng trong vòng ngoài mà H. cũng vẽ được à? Gặp Quốc chắc quăng cọ mất thôi.
- Sợ gì? Ai nói mặc họ. Việc mình mình làm. Hơi đâu�
Trời xế chiều. Một đám mây đen lấp kín trên đầu. Ánh sáng nhợt nhạttrên từng ngọn hoàng điệp. Hằng buông cọ, kêu lên:
- Thôi chết, mưa rồi. Thu dọn về nhanh lên.
Hối hả về lớp, mãi trời mới đổ mưa. Tôi giở từng bản vẽ, những mảng màu lem nhem, chưa tới nơi tới chốn. Tranh chép miệng, mắt hướng xuống lòng đường "Tội nghiệp! Mưa thế này�" Tôi nhìn theo thấy ba dáng người đội mưa chạy vào mái hiên. Đó là ba cụ già mà tôi đã gặp ban trưa, khi trở về kí túc xá ăn trưa. Họ ăn vận theo lối người miền quê ngoài Bắc. Đầu chít khăn mỏ quạ, răng nhuộm đen và nhai trầu� . Áo màu nâu bạc thếch. Chân đi dép l ào mòn đế. Tất cả đều trên dưới 60 tuổi. Tôi đoán thế. Trông họ khắc khổ và u buồn. Màu đỏ tươi của bã trầu mà họ nhổ ra không làm giảm đi vẻ u ám của những màu sắc trên người họ. Trên tay mỗi cụ là một hộp chewing gum. Tuổi già như thế, chắc phải có một lí do gì đó, một hoàn cảnh gì họ mới lang thangvào đây, sống bằng cái nghề bấp bênh trên hè phố. Lớp tôi đã hờ hững đi qua, một vài đứa chỉ trỏ chiếc khăn mỏ quạ ngồ ngộ mà tụi nó chỉ thấy qua sách báo hay phim ảnh.
Ba cụ già ngồi cúm núm dưới mái nhà, miệng vẫn nhai trầu và mắt hướng ra màn mưa đục lờ. Mấy chiếc áo nâu càng sậm đen vì nước mưa bắn vào càng lúc càng nhiều. Hằng mơ màng nói nhảm: "Mưa đầu mùa� chao ôi!" Tôi đoán chắc cô nàng đang nhớ những cơn mưa xứ Huế. Tôi nhìn sang ngôi lầu đối diện, những đoá hoa cát đắng vật vã trên ban công, lòng thầm nghĩ: Mưa nhiệt đới làm cho những đám cỏ khô trong sân trường đại học của mình được phục sinh và những tán cây bớt khổ hơn! Như những cụ già kia đang co ro dưới hiên mưa, cố đưa chéo áo nâu che hộp kẹo � "gian hàng nhỏ" � để kiếm sống qua ngày của các cụ.
***
Tôi lại ngồi đây, trên chiếc giường tầng của khu kí túc xá nóng nực này, nghe tiếng sấm ầm ì xa xa vọng lại, mà nhớ đến những cơn mưa đầu mùa hè năm ngoái. Những tàn phượng cháy rực bập bùng và những đứa bạn nghèp thời thơ ấu xa lắc mà bây giờ không còn gặp nhau nữa. Không bao giờ gặp nhau nữa. Chiều mai vào phòng vẽ hình họa, lại đứng bên giá vẽ, chắc hẳn tôi sẽ mong chờ một cơn mưa nhiệt đới trút xuống đời cho mát mẻ. Nhưng tôi sẽ cố nhủ lòng đừng quên hẳn ngoài kia còn có những mái hiên và những con người nhỏ bé đứng trú mưa.
Vũ Đình Giang
(GĐAT Tiền Giang)
0 đánh giá:
Đăng nhận xét