AD (728x60)

Blog Archive

Categories

About us

Thứ Năm, tháng 9 28, 2006

Tết Trung thu

Share & Comment
Trung thu với tôi là những kỷ niệm thật đẹp và êm đềm...

Nhớ hồi còn bé, tụi trẻ con chúng tôi thường tụ tập lại tập múa hát để "trình diễn" đêm Trung thu... "Chị ong nâu nâu, nâu nâu..." Mũ công chúa là những tấm bìa mẹ mang từ nhà máy về, cắt dán hoa giấy màu, hồ khô thì màu cũng bay... Thế mà vẫn háo hức chuẩn bị rõ sớm...

Bà ngoại tôi bán hoa quả, từ đầu mùa bưởi, theo mẹ đi chở hàng về cho bà mỗi tối, nhặt bao nhiêu hạt bưởi đem về bóc, phơi khô để đêm Trung thu rực sáng...

Tối Trung thu, đứa nào có gì thì mang đến góp tạo thành một mâm cỗ đầy ắp các loại, chủ yếu là hoa quả... Đứa nào góp bánh nướng, bánh dẻo là "oai" lắm...

Ngày ấy trẻ con có được cái đèn ông sao hay đèn ông sư là rộn cả khu, cả dãy nhà... Vui thế...

Trung thu năm thứ nhất Đại học, kéo nhau lên Bãi Tre phá cỗ... Tính lề mề nên tôi với mấy đứa bạn đi sau cùng, bốn đứa, hai xe đạp, hai cái đèn ông sao... Đến nơi, bọn bạn vỗ tay ầm ĩ, được chào đón nồng nhiệt vì " không có đèn ông sao thì còn gì là Trung thu"... Nhớ mãi...

Cuộc sống có biết bao kỷ niệm đẹp... Và những đêm Trung thu là một phần ký ức không thể quên của tuổi thơ tôi...

Hoàng My (trích đăng diễn đàn Hà Nội)

Sắp tết trung thu rồi,

Không phải năm nào trăng rằm cũng đều sáng tỏ khắp muôn nơi. Có năm, trăng tròn vành vạnh, nhưng bị vài đám mây mỏng mầu trắng và hơi xám che đi vài phần. Có năm trăng quầng một chút, dáng hơi vàng. Có năm trăng tán ngay giữa đêm rằm. Người làm nghề nông thường quan tâm đến những thay đổi của trăng, của các ngôi sao và dáng của bầu trời để dự đoán, chẳng hạn như: "Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa", hoặc "Được mùa lúa, úa mùa cau; Được mùa cau, đau mùa lúa". Năm nào mà vào hạ, sấm chớp đùng đoàng, mưa trận nào, rõ trận ấy, thì năm đó báo hiệu một vụ mùa bội thu, nhưng hoa cau thì không có dịp ra nhiều hoa, kết nhiều trái trong khí hậu như thế. Năm nào mà giữa cái đêm rằm, phía xa xa chỗ chị Hằng đang đứng, có những dải mây gợn đều như những luống cày, năm đó thường nắng to và có nhiều bão, nhưng không ảnh hưởng xấu đến hoa mầu.

Những đêm tháng 8, trẻ con vẫn vui chơi nhờ ánh trăng rằm sáng tỏ, chúng luôn vui vẻ, hồn nhiên, miễn sao chúng chạy tới đâu, trăng chạy theo tới đó. Người lớn đi theo bọn nhóc để cổ vũ và khích lệ, đôi lúc lại chợt nhìn lên bầu trời, vẻ lãng mạn. Trăng lên, rất tròn, rất đẹp, trời trong vắt, cũng vẫn có thể trầm tư.

Những đứa trẻ hiếu kỳ, đôi khi thấy người lớn ngắm nghĩa mãi bầu trời vài ngày trước trung thu, đoán rằng người lớn cũng đang mong đến ngày chúng gõ trống, thắp đèn ông sao, loạn cả phố xá. Có những đứa trẻ tinh ý bắt đầu dò hỏi về những ngôi sao trên bầu trời. Khi đó chúng bắt đầu biết về ông thần Nông, về dải sông Ngân hà, về những con vịt bên cạnh dòng sông Ngân Hà. Người lớn bắt đầu lãng quên dòng suy tư để tập trung vào giải thích và kể cho chúng về sự tích của những tên gọi ấy. Những đứa trẻ được dịp ngửa cổ lên trời, mắt nhìn không chớp, cố tưởng tượng những hình thù theo hướng tay của người lớn vẽ vào không gian. "Đây là mũ ông thần Nông, là mũ cánh chuồn, chứ không phải là mũ lưỡi trai như các cháu bây giờ vẫn đội", "Đây là chùm sao "tua dua" vì nó giống cái gầu dây tát nước. Còn cái gầu dây tát nước ý, hình như cũng có trong sách giáo khoa mà các cháu học"...

Giải thích cho bọn trẻ con khó lắm, vì khi giải thích những thứ mà chúng chưa biết, nếu không để ý thì lại dựa vào những thứ khác, mà chúng cũng chưa biết nốt. Nhưng cứ nói loanh quanh mãi rồi đâm ra có hứng, nhất là cứ nhìn thấy cái mắt, cái miệng chữ O , chữ A của bọn nhóc.

Từ đây, lũ trẻ nhìn lên bầu trời với một cách nhìn mới. Nhận thức về thế giới quan, ít nhất là đã xuất phát từ những câu chuyện cổ tích hoặc chuyện thần thoại của người lớn. Khi trưởng thành, những khái niệm đó được chính xác dần bằng kiến thức của khoa học thiên văn. Nhưng nhận thức đó đã có một dấu ấn tuổi thơ, và tình yêu với bố mẹ, ông bà được khơi dậy từ những ký ức tuổi thơ này.

Những câu chuyện đồng dao cùng với những lời lý giải âu yếm của người lớn, gắn với một cái gì đó của thế giới xung quanh, đôi khi tốt hơn nhiều so với những món quà nhiều tiền nhưng có ít lời trong đó. Những đứa trẻ được người lớn chú trọng vào món ăn tinh thần sẽ được kích thích trí tưởng tượng, được bồi dưỡng về mặt tâm hồn, sau này khi lớn lên, thường trở thành những người có tấm lòng nhân ái, và cảm nhận về gia đình mình một cách sâu sắc.

Một tâm hồn được vun trồng từ lúc còn bé sẽ sớm tránh được những tính xấu của đời thường, ví dụ như ích kỷ và giả dối. Khi lớn lên, những tính xấu đó có thể sẽ suy biến thành nhiều tính xấu hơn. Chẳng hạn, ích kỷ dẫn đến tự cao tự đại và hẹp hòi; giả dối dẫn đến thủ đoạn, chuyên núp sau lưng để kích động. Những đứa trẻ lang thang rất thiệt thòi. Có những đứa trẻ khác, không lang thang, cũng có thể bị thiệt thòi không kém.

Khi tình yêu ruột thịt nâng lên thì lòng vị tha và sự chân thành đối với người thân và bạn bè cũng tăng theo.

Trung thu, trăng sắp lên rồi, sắp soi sáng khắp cả thế gian.
Từ khi nào chúng ta không còn là lũ trẻ? Có lẽ là từ khi biết yêu?.
Người lớn rồi, đã bắt đầu thấy mình đầy những suy tư.

Eyes on me (trích đăng diễn đàn Hà Nội)
Tags: ,

Written by

We are Creative Blogger Theme Wavers which provides user friendly, effective and easy to use themes. Each support has free and providing HD support screen casting.

0 đánh giá:

 

Popular Content

Hello! We’re Fenix Creative Photo Studio

Recent Posts

Why to Choose RedHood?

Copyright © Trang Văn Học Trẻ | Designed by Templateism.com | Published by GooyaabiTemplates.com