Cuộc sống của bé A-phô-nhi-na thật buồn. Bố của bé đang chiến đấu ngoài mặt trận, mẹ bé bận suốt từ sáng đến chiều với công việc ngoài trại bò sữa của nông trang, còn ông của bé ngủ suốt cả ngày lẫn đêm bên lò sưởi. Thậm chí, đến sáng, khi dậy ăn cháo sữa, ông vẫn còn lim dim ngủ.
Sáng hôm ấy, bé A-phô-nhi-na nói với ông:
- Ông ơi, ông đừng ngủ nữa, ông ngủ nhiều quá rồi.
- ừ, được rồi, cháu yêu, ông sẽ không ngủ nữa, ông chỉ nằm và nhìn cháu thôi.
- Thế tại sao ông cứ nhắm nghiền mắt lại và chẳng nói gì với cháu cả?.- A-phô-nhi-na lại hỏi.
- Hôm nay ông sẽ không nhắm mắt nữa. - Ông hứa - Hôm nay ông sẽ nhìn ra ngoài trời.
- Nhưng tại sao ông cứ ngủ suốt còn cháu thì không nhỉ?
Ông âu yếm đáp:
- Tại ông già quá rồi cháu yêu ạ. 3 năm nữa thôi là ông tròn 90 tuổi rồi. Tuổi già làm mắt ông nó cứ tự nhắm lại đấy
- Nhưng ông mà ngủ thì tối om, - A-phô-nhi-na nói - ngoài sân nắng rực rỡ, cây cối tốt tươi thế mà ông lại ngủ chẳng nom thấy gì hết.
- Đúng thế cháu yêu ạ. Nhưng ông đã thấy cả những thứ đó rồi.
- Ông ơi, thế tại sao mắt ông lại đục và nước mắt cứ chảy ra thế hả ông?
- Mắt ông mờ rồi cháu ạ. Qua bấy nhiêu năm tháng, mắt nó cứ mờ đi và không còn tinh tường được nữa. Ông đã phải nhìn quá lâu rồi mà.
A-phô-nhi-na bèn lại gần nhìn lại người ông thân yêu.
Trong chòm râu bạc của ông vẫn còn dính những mẩu bánh mì vụn và lại còn có cả một con muỗi đậu ở đó. A-phô-nhi-na đứng lên một chiếc ghế, nhẹ nhàng nhặt hết những mẩu bánh vụn ra khỏi chòm râu của ông rồi xua con muỗi bay đi. Bé nhìn đôi bàn tay của ông đặt trên bàn. Chúng thật to, dày, và lớp da trông tựa vỏ cây sần sùi. Dưới lớp da nổi rõ cả những đường gân đen. Bé biết, đôi bàn tay của ông đã cày biết bao nhiêu là thửa ruộng rồi. A-phô-nhi-na nhìn vào mắt ông. Đôi mắt mở to nhưng dường như chúng chẳng nhìn vào đâu cả, chẳng trông thấy gì hết và ở khoé mắt lúc nào cũng long lanh một giọt nước mắt to tròn.
- Ông ơi, ông đừng ngủ nữa. - Bé A-phô-nhi-na khẩn khoản. Nhưng ông đã nhắm mắt lại và ngủ rồi. Mẹ đỡ ông nằm xuống bên lò sưởi, đắp chăn cho ông rồi mới đi làm. Chỉ còn một mình ở nhà, A-phô-nhi-na lại cảm thấy buồn trống trải. Bé đi vòng quanh chiếc bàn gỗ, rồi lại tới bên lò sưởi ngắm ông đang ngủ. Bé lắng nghe tiếng thở của ông trong giấc ngủ rồi lại nhìn qua ô cửa sổ, nhìn ra con đường vắng trước nhà và quay lại chiếc bàn gỗ. A-phô-nhi-na tự nói một mình:
- Mẹ không có nhà, bố cũng đi vắng, còn ông thì ngủ.
Bé ngước mắt nhìn chiếc đồng hồ quả lắc đang buồn tẻ chạy và phát ra những tiếng tích tắc đều đều như đang ru ông ngủ. Đến lượt bé cũng buồn ngủ díp cả mắt.
- Ông ơi, dậy đi ông - A-phô-nhi-na nài nỉ - Ông vẫn ngủ à?
Tiếng ông vọng ra:
- Gì thế cháu? Ông có ngủ đâu.
- Thế ông nằm suy nghĩ hả ông?
- Phải rồi, ông đang nghĩ về hồi ông còn trẻ.
- Ông ơi, thế ông biết mọi thứ trên đời à?
- ừ, cháu yêu ạ, ông biết hết mọi thứ.
- Thế biết hết có nghĩa là gì hả ông?
- Ông quên mất rồi cháu ạ.
- Thôi ông dậy đi, dậy kể cho cháu nghe với nào.
- Hả...
- Ông ơi, ông nhớ lại đi nào.
A-phô-nhi-na cố nài nỉ nhưng ông không trả lời và lại ngủ ngon lành bên lò sưởi. Bé tiến đến gần ông để lay ông dậy nhưng lay mãi mà ông vẫn nằm nguyên. Bé mệt quá và cũng tự ngủ thiếp đi bên cạnh ông. Bé nằm nép vào ngực ông vẫn ấm nồng và toả mùi thơm của đất. Khi tỉnh dậy, A-phô-nhi-na chợt thấy ông đang mở mắt không ngủ. Bé vội gọi:
- ông ơi, ông dậy rồi à?
Nhưng ông lại nhắm mắt và ngủ tiếp. A-phô-nhi-na nghĩ, ông đã thức trông cho bé ngủ. Thế là bé không ngủ nữa và cứ ngồi canh ông chờ đến khi ông tỉnh dậy. Chiếc đồng hồ trên tường vẫn cứ tích tắc đều đều ru ông ngủ. Thấy vậy, bé liền chạy tới giữ cho quả lắc đồng hồ đứng lại. Trong nhà bỗng trở nên tĩnh lặng và A-phô-nhi-na nghe rõ cả tiếng phát cỏ từ phía bên kia sông và nghe thấy cả tiếng muỗi kêu ro ro trên trần nhà.
Người ông chợt tỉnh giấc và cất giọng uể oải hỏi:
- Gì vậy hả A-phô-nhi-na? Tiếng gì ầm ầm thế?
- Nhưng ông đừng ngủ nữa, - A-phô-nhi-na đáp, - Ông kể cho cháu nghe mọi thứ đi. Mẹ cháu bảo ông cứ ngủ suốt rồi không tỉnh dậy được nữa đâu. Ông phải kể cho cháu đi chứ kẻo ông mà chết thì còn ai kể cháu nghe hả ông?
- Gượm đã nào. Lấy cho ông cốc nước.
- Ông đã tỉnh hẳn rồi à, - A-phô-nhi-na hỏi ông.
- Tỉnh rồi, Giờ thì ông cháu mình thử ra ngoài sân đi.
Ông uống hết cốc nước rồi nắm tay bé A-phô-nhi-na bước ra khỏi cửa. Mặt trời đã lên cao và toả ánh nắng vàng rực rỡ trên những cánh đồng lúa mì đang độ chín. Hai ông cháu đi ra cánh đồng và dừng chân bên một bông hoa màu thiên thanh đang gắng vươn lên từ lớp đất toàn cát bụi cằn khô. Ông chỉ cho bé A-phô-nhi-na bông hoa rồi ông cúi xuống khẽ vuốt cánh hoa rắn rỏi ấy.
- Chuyện này thì tự cháu cũng biết - A-phô-nhi-na dài giọng - Nhưng cháu cần biết điều quan trọng của ông cơ
Người ông sững lại giây lát rồi nói:
- Đây là điều quan trọng nhất đối với cháu đấy. Cháu nhìn mà xem, lớp đất khô cằn này chỉ có đá và cát. Mà đá và cát thì chúng không sống và cũng chẳng thở. Chúng là thứ cát đã chết. Bây giờ thì cháu đã hiểu chưa nào?
- ứ đâu, cháu chả hiểu gì sất.
- Hừ, vậy thì cháu cần biết điều gì một khi cháu chậm hiểu đến thế? Cháu có thấy bông hoa tội nghiệp này không? Nó vẫn sống, vẫn vươn lên từ lớp đất bụi chết chóc ấy. Có nghĩa là nó đã biến lớp cát cằn cỗi thành chất nuôi sống thân mình và toả hương thơm tinh khiết. Đấy chính là điều quan trọng nhất mà cháu cần biết ở trên đời bởi lẽ nó giúp cháu hiểu được mọi thứ bắt đầu từ đâu. Bông hoa này chính là người lao động đáng tôn kính nhất, nó đã làm nên cuộc sống từ cái chết.
- Thế cây cỏ và lúa mạch đen cũng làm công việc quan trọng đó hả ông?
- Đúng vậy cháu ạ.
- Và cả hai ông cháu mình nữa chứ đúng không ông?
- Chính thế cháu yêu ạ. Ông cháu ta là những người giúp cây lúa lớn lên. Còn bông hoa kia sẽ trở thành một loại thuốc chữa bệnh. Người ta sẽ hái chúng về sao thành thuốc. Cháu cứ hái thật nhiều đem về làm thuốc cho bố cháu đang chiến đấu ngoài mặt trận, phòng khi ốm bệnh thì đã có thuốc chữa lành cho bố.
A-phô-nhi-na đứng lặng im ngắm nhìn cánh đồng và bông hoa bên đường. Bé muốn tự mình khám phá xem làm thế nào mà bông hoa lại sống được giữa lớp cát khô cằn để thành bông hoa xinh đẹp khoe sắc, toả hương và có ích cho đời. Cũng như bông hoa, bé chợt muốn chính mình cũng sẽ làm nên sự sống từ cái chết. Bé vội giục ông:
- Ông ơi, ta về nhà đi. Hình như ông lại buồn ngủ rồi đấy. Ông cứ ngủ đi và đừng lo ông ạ. Nếu ông ngủ suốt mà không bao giờ tỉnh dậy, thì cháu đã biết cách bởi giờ thì cháu đã hiểu tại sao bông hoa kia sống được từ cát bụi. Ông cũng sẽ sống lại thôi.
Người ông lặng im không nói gì và thầm mỉm cười với đứa cháu nhân hậu của mình. Ông đi về nhà và lại tới bên lò sưởi rồi ngủ thiếp đi.
Bé A-phô-nhi-na ở lại một mình trên cánh đồng. Bé hái đầy một ôm tay những bông hoa dại và đem đến cửa hàng thuốc. Bố bé và các chú bộ đội ở ngoài mặt trận sẽ có thuốc để chữa lành vết thương. Đổi lấy số hoa bé mang đến, cửa hàng thuốc tặng bé một chiếc lược sắt. Bé đem chiếc lược về tặng cho người ông yêu quý của mình và rất vui vì nghĩ rằng, từ giờ ông sẽ chải bộ râu bằng chiếc lược đó.
- Cảm ơn cháu yêu, - ông nói - Thế những bông hoa không kể gì cho cháu nghe do đâu mà chúng sống được trong lớp cát khô cằn ấy à hả A-phô-nhi-na ?
- Chúng không kể ông ạ. - A-phô-nhi-na trả lời - Ông sống lâu thế mà ông lại không biết. Ông vẫn nói là ông biết hết mọi chuyện đấy thôi.
- Cháu nói phải, - ông đồng ý.
- Chúng im lặng và sẽ chẳng bao giờ nói đâu ông ạ. Ta phải hiểu chúng cơ. - A-phô-nhi-na say sưa nói - Còn tại sao tất cả những bông hoa ấy đều im lặng không nói thì chỉ có chúng mới biết phải không ông?
Người ông âu yếm mỉm cười và xoa đầu đứa cháu nhỏ. Ông lặng lẽ và đầy trìu mến ngắm nhìn đứa cháu yêu như ngắm nhìn bông hoa của đất ngoài cánh đồng. Sau đó, người ông cất chiếc lược vào trong ngực áo rồi ngả lưng và chìm vào giấc ngủ.
Andrey Platonov
0 đánh giá:
Đăng nhận xét